Ba nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả của các chính sách là: Điều kiện hưởng không phù hợp, quy mô hỗ trợ không lớn và thời hạn hỗ trợ không đủ dài.
Nhóm chính sách, gói hỗ trợ về tín dụng, tài chính có các điều kiện về đối tượng được hưởng chính sách quá chặt chẽ trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, nhiều quy định không thống nhất và chậm triển khai trong quá trình thực thi. Công tác truyền thông về chính sách chưa thực sự hiệu quả.
Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ tác động tích cực với doanh nghiệp
Từ tháng 7/2020 - 7/2022, Chính phủ đã ban hành 5 gói chính sách trong lĩnh vực tài chính, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, gồm: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại ngân hàng thương mại; hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022 - 2023; cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và hỗ trợ tiền mặt cho hộ kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng số tiền hỗ trợ đã thực hiện từ các chính sách hỗ trợ về tài chính - tín dụng trong các năm 2021-2022 ước tính tương đương với trung bình 0,2% GDP.
Báo cáo đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện (thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa - LinkSME) cho thấy, có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ các chính sách tài chính - tín dụng này.
Theo khảo sát định lượng với 355 doanh nghiệp, khoảng 19,3% doanh nghiệp có tiếp cận, "Có được hưởng lợi" hoặc "Đã nộp hồ sơ" với các chính sách hỗ trợ tín dụng tại các ngân hàng thương mại, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội thấp hơn (8,5% doanh nghiệp khảo sát) do những đặc thù về đối tượng vay vốn.
Tỷ lệ doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ khá cao, đến 16,1% doanh nghiệp khảo sát. Tỷ lệ các chính sách hỗ trợ liên quan đến gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% ở mức rất thấp, trung bình chỉ 3% trong tổng số doanh nghiệp trả lời, cụ thể, có 9/76 doanh nghiệp tiếp cận thành công (nhận được hỗ trợ) đối với gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội và 11/30 doanh nghiệp tiếp cận thành công đối với gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% tại ngân hàng thương mại.
Mặc dù có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và/hoặc hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ thấp, nhưng nhóm chính sách tài chính, tín dụng có tỷ lệ cao (47,7%) doanh nghiệp đánh giá “Rất hiệu quả” và “Hiệu quả” về tác động tích cực của nhóm chính sách này.
Với những phân tích về tỷ lệ doanh nghiệp hưởng lợi ở từng chính sách và những chia sẻ của đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có thể khẳng định, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đã có những tác động tích cực đối với doanh nghiệp trong giai đoạn từ 2020-2021.
Nhiều hoạt động triển khai chính sách đã được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Ngay từ khi bắt đầu dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trong từng giai đoạn. Các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ được đánh giá là tương đối đầy đủ, bao gồm được tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và công tác tuyên truyền thực hiện chính sách. Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ngay đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các tổ chức tín dụng và VNBA để tìm giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ và hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng khi tỷ lệ nợ xấu có thể tăng cao. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã chủ động tìm hiểu tình hình và có những hành động kịp thời chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Riêng đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, có đến 4 văn bản được Ngân hàng Nhà nước ban hành, cùng hàng loạt hội nghị trực tuyến toàn quốc với các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn, giải đáp, chỉ đạo triển khai chính sách trong toàn hệ thống ngân hàng.
Chính sách hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện tương đối linh hoạt nhằm tạo điều kiện tối ưu cho khách hàng. Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, các tiêu chí và quy trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đơn giản hơn so với chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại. Một trong những nguyên nhân là do việc sàng lọc đối tượng thụ hưởng chính sách không phức tạp như thủ tục tại ngân hàng thương mại, ví dụ, không cần đánh giá về ngành nghề của doanh nghiệp, mục đích sử dụng nguồn vốn vay, mức tăng trưởng tín dụng,...
Điều kiện hưởng không phù hợp
Từ kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy, ba nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả của các chính sách tài chính, tín dụng là: Điều kiện hưởng không phù hợp (chiếm 52,2% doanh nghiệp khảo sát), quy mô hỗ trợ không lớn (47,8%) và thời hạn hỗ trợ không đủ dài (40,3%).
Cụ thể, theo Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tư 03/2021/TT-NHNN được ban hành để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng quy định về thời gian tái cơ cấu nợ ngắn (12 tháng), ít mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. Trên thực tế có doanh nghiệp chỉ được cơ cấu giãn nợ trong 3 tháng và bị cộng dồn, chia số tiền giãn nợ trong 3 tháng đó vào các kỳ sau gây áp lực lớn hơn cho các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thêm vào đó, điều kiện để được hưởng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ loại trừ các doanh nghiệp có nợ xấu là quá chặt chẽ, làm giảm hiệu quả của chính sách. Trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết doanh nghiệp đều có nợ xấu, vì vậy doanh nghiệp không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.
Điều kiện hưởng hỗ trợ lãi suất 2% với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại ngân hàng thương mại quy định quá ngặt nghèo trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19. Dẫn quy định về điều kiện hỗ trợ được đặt ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, báo cáo cho rằng, để đáp ứng đủ điều kiện vay, doanh nghiệp cần phải “khỏe mạnh”, tài chính tốt, phương án kinh doanh cụ thể… Điều này dẫn đến thực tế là chính sách chưa tập trung vào đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Đại diện Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, doanh nghiệp rất cần vốn nhưng điều kiện đưa ra là quá khó và không dễ gì tiếp cận. Đa phần các ngân hàng chỉ xem xét khi doanh nghiệp không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm vay vốn, cũng như yêu cầu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện này.
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), “hầu hết doanh nghiệp nào trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19 cũng có nợ xấu, vì vậy họ không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ”.
Tương tự là ý kiến của VITAS, “trong thời điểm hiện nay chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có thể đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ lãi suất, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là đối tượng cần được hỗ trợ lại gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận gói chính sách”…
Báo cáo đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng chỉ ra rằng, có sự không thống nhất về điều kiện vay giữa các ngân hàng thương mại, ngân hàng và doanh nghiệp đều có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, một số nội dung chính sách chưa có hướng dẫn cụ thể.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, “một trong những nguyên nhân khiến kết quả bước đầu thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất chưa cao là do độ trễ trong việc ban hành và hướng dẫn triển khai chính sách”.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng việc xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn cần phải được cân nhắc tới độ khó, sự phức tạp, quy mô của chính sách và văn bản hướng dẫn. Sau khi nhận chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng triển khai xây dựng văn bản, đồng thời tích cực, chủ động phối hợp, trao đổi kỹ lưỡng với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua nhiều cuộc họp (trong đó có 6 cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì), cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện nghị định và thông tư hướng dẫn./.