Trung bình mỗi doanh nghiệp mất 9,8 giờ và 1,8 triệu đồng chi phí trực tiếp để thực hiện một thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành trong năm 2022.
Hai bước chiếm nhiều thời gian nhất trong tổng thời gian thực hiện của doanh nghiệp là chuẩn bị hồ sơ (1,8 giờ) và kiểm tra/giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa (3,4 giờ).
Kết quả trên được công bố trong báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính - APCI 2022. Báo cáo do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ.
Một trong số các yếu tố khiến kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành được phản ánh bởi các doanh nghiệp là việc áp dụng các thủ tục và quy trình thực hiện thiếu sự chuẩn hóa và nhất quán giữa các cơ quan quản lý; khác biệt về nguồn lực của cơ quan quản lý và các công cụ áp dụng ở mỗi thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia (VNSW) vẫn chưa có cải thiện đáng kể theo trải nghiệm của các doanh nghiệp. Các lỗi thường gặp về kỹ thuật liên quan đến đường truyền, lỗi hệ thống máy chủ dẫn ảnh hưởng đến quá trình tải thông tin dữ liệu, thông quan hàng hóa, lỗi đồng bộ trạng thái giữa đầu của Tổng cục Hải quan với đầu của bộ quản lý chuyên ngành.
Báo cáo cho thấy, nhóm thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành có điểm số APCI 2022 giảm (10,2 điểm) so với APCI 2021 và mức chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 là 10,2 điểm. Nhóm thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành có điểm số trung bình thấp trong số 9 nhóm đánh giá của APCI.
Mặc dù, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực để cải thiện và đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhưng kết quả APCI 2022 cho thấy có nhiều dư địa để cải cách với nhóm thủ tục hành chính này. Qua khảo sát doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, việc nâng cấp hệ thống Cổng thông tin Một cửa quốc gia về tốc độ và hiệu suất, khả năng trao đổi dữ liệu với các hệ thống khai báo hải quan, hệ thống đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp mang tính cấp thiết nhất. Bên cạnh đó, các vấn đề về cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, cải thiện quy trình kiểm tra, thúc đẩy quá trình thừa nhận hồ sơ chứng nhận điện tử... cần được cải thiện./.