Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của dân tộc Lào; là dịp để con cháu, bản làng tỏ lòng thành kính đối với những người lập ra bản mường đầu tiên, với ông, bà, tổ tiên, thần sông, thần suối, thần rừng.
TTXVN - Trong hai ngày 5 - 6/4, tại bản Pa Xa Lào, UBND xã Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tổ chức phục dựng Lễ Khăm bản - Tết té nước truyền thống dân tộc Lào.
Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của dân tộc Lào; là dịp để con cháu, bản làng tỏ lòng thành kính đối với những người lập ra bản mường đầu tiên, với ông, bà, tổ tiên, thần sông, thần suối, thần rừng, thần nương rẫy…; đồng thời, cầu cho một năm mới may mắn, nhiều tài lộc, mùa màng bội thu, trâu, bò đầy sân, lợn, gà đầy chuồng; con người không ai ốm đau, bệnh trọng, mọi người trong bản đều được bình an, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Lễ Khăm bản được tổ chức vào tối 5/4, tại không gian thờ cúng chung của bản Pa Xa Lào với các nghi thức của phần lễ như: báo cáo thần linh, người khai phá vùng đất, tổ tiên người Lào ở Pa Xa Lào.
Sau phần lễ, sáng 6/4, các hoạt động phần hội của Tết té nước đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia như: biểu diễn văn nghệ, múa lăm vông - điệu múa đặc trưng của dân tộc Lào.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay sẽ diễn ra vào ngày cuối của Lễ Khăm bản. Trong quá trình chơi hội, lễ, Tết, mọi người vô tình chạm vào đầu, tai, chân, tay nhau… và sợ linh hồn ngự trị trên các bộ phận đó đi lạc, ham chơi mà quên quay về, sẽ khiến gia chủ ốm yếu, bệnh tật. Do đó, ông mo, bà mo và những người cao tuổi sẽ buộc chỉ tay cho tất cả người dân bản coi như lời kêu gọi các hồn về trú ngụ đúng chỗ.
Sau nghi thức buộc chỉ cổ tay, người dân trong bản mang lễ vật ra khu vực suối để dâng tế, cúng mời thần suối hưởng lễ. Trên suốt đường đi, người dân bắt đầu nghi thức té nước để cầu chúc may mắn. Sau đó, tất cả mọi người cùng lội xuống sông tắm, té nước vào nhau để cầu chúc những điều tốt đẹp. Với đồng bào dân tộc Lào, ngày Tết té nước ai cũng phải ướt, càng ướt nhiều sẽ càng may mắn. Khi người đã ướt sũng, họ cùng nhau hòa mình vào điệu múa lăm vông truyền thống.
Theo bà Vì Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, thông qua các hoạt động trong lễ hội giúp nhân dân địa phương hiểu được tầm quan trọng và mục đích, ý nghĩa của việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc mình; đồng thời là dịp để quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa, văn nghệ của dân tộc Lào ở xã Pa Thơm nói riêng và huyện Điện Biên nói chung. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của huyện Điện Biên.
Bà Vì Thị Dung cho biết thêm, thông thường, Lễ hội Khăm bản sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 13 - 16/4 hàng năm, căn cứ theo Phật lịch). Tuy nhiên, nghi lễ truyền thống này của dân tộc Lào ở đây đã bị mai một. Năm 2024 là năm đầu tiên Lễ Khăm bản được phục dựng lại. Do đó, một số nghi thức, hoạt động tạm thời chưa được thực hiện.
Dự kiến năm 2025, Lễ Khăm bản sẽ được tổ chức đúng với lịch của đồng bào dân tộc Lào và sẽ có thêm nhiều hoạt động phong phú, độc đáo hơn./.
- Từ khóa:
- Phục dựng
- Lễ Khăm bản
- Tết té nước
- dân tộc Lào
- Điện Biên