Quản lý chất thải nhựa, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường
Nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
TTXVN - Nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Các sở, ngành và địa phương liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời tích cực quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và vận động người thân, địa phương nơi cư trú gương mẫu, tích cực và đi đầu trong công việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo Kế hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni-lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh. Tất cả các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng các sản phẩm này trong sinh hoạt. Đến năm 2026, trên địa bàn không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần...
Tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương tuyên truyền, phổ biến đến công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa để hạn chế việc sử dụng và thải ra môi trường; khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông khó phân hủy. Tỉnh vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa một lần và túi ni-lông khó phân hủy chuyển sang sản xuất và phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường; đưa phong trào phòng, chống rác thải nhựa và túi ni-lông vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, buổi sinh hoạt tại các khu dân cư, tổ chức chính trị...
Vĩnh Phúc tập trung đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực để tăng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý đảm bảo đến 2025 tỷ lệ thu gom đạt 97% đối với khu vực đô thị và 80% đối với khu vực nông thôn; phấn đấu đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh. Tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thường xuyên các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thu gom, xử lý rác thải trong việc thực hiện về tần suất thu gom, địa điểm đổ thải theo quy hoạch và quy trình xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tỉnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác. Đồng thời, tỉnh tăng cường đầu tư và phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa tối ưu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa/sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nhựa trên sông, suối, kênh, rạch.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tục tăng nhanh (năm 2020 là 303.780 tấn; năm 2021 là 335.800 tấn và năm 2022 là 346.850 tấn). Mặc dù, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa tỉnh tăng nhưng lượng chất thải nhựa phát sinh lại có chiều hướng giảm dần. Rác thải nhựa ở các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các làng nghề... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố lân cận đã trở thành một mặt hàng được nhiều cơ sở tái chế quan tâm bởi khi thu gom, phân loại, qua các công đoạn tái chế... trở thành các sản phẩm xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước được khách hàng ưa chuộng và thu lãi cao. Nhựa nguyên liệu tại địa bàn được thu gom từ tỉnh và từ nhiều địa phương thông qua mạng lưới thu gom phế liệu đưa về. Các chất thải này sau khi thu gom thường được phân loại thành các loại nhựa HDPE, PP, PS, PET…
Đặc điểm của các cơ sở thu gom, tái chế tại Vĩnh Phúc hiện phần lớn là sản xuất mang tính thủ công, nguyên vật liệu đầu vào hầu hết là phế liệu không được làm sạch, đa số các cơ sở sản xuất đều không có biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải, việc bảo hộ lao động và vệ sinh an toàn lao động tại cơ sở vẫn còn hạn chế. Do vậy, các cơ sở tái chế nhựa vẫn gây ra nhiều vấn đề môi trường và đòi hỏi các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.../.
- Từ khóa:
- Quản lý chất thải nhựa
- Vĩnh Phúc