Tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng
Mức cam kết huy động ban đầu là 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới bên cạnh các nguồn hỗ trợ tài chính hiện có.
TTXVN - Để triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Kế hoạch sẽ đưa ra danh mục các dự án ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2024 – 2030 cùng với khung tiêu chí lựa chọn dự án, các hành động chính sách cần thiết.
Triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo COP26 thành lập Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và các nhóm hỗ trợ triển khai thực hiện JETP. Một trong những nhiệm vụ của Ban Thư ký là xây dựng và thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng để triển khai trong giai đoạn ít nhất 5 năm tới.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, gói tài chính Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng bao gồm: hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ hỗ trợ Việt Nam (bao gồm các điều khoản về lãi suất, điều kiện để vay và giải ngân...); các khoản tín dụng các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Mức cam kết huy động ban đầu là 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới bên cạnh các nguồn hỗ trợ tài chính hiện có. Số tiền cam kết huy động cho giai đoạn sau có thể cao hơn nếu Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định chế tài chính quốc tế.
Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng sẽ được hoàn thành trước thềm Hội nghị COP 28 diễn ra vào cuối năm 2023. Sau đó, Kế hoạch sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung (nếu có) trên cơ sở nhu cầu xây dựng chính sách và đầu tư của Việt Nam liên quan đến các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng trong thời gian tới.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn các bộ, ngành, doanh nghiệp, các đối tác phát triển, các định chế tài chính, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đối với dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Đến hết ngày 8/9/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến góp ý bằng văn bản của Nhóm các đối tác quốc tế (Nhóm IPG), Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và nhiều đối tác quốc tế. Về phía các cơ quan Việt Nam, đã có văn bản góp ý của các Bộ: Lao động -Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Công an, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam./.