Quảng Ninh là địa phương có những hành động tích cực nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai nên được chọn là nơi tổ chức sự kiện quốc tế lần này.
TTXVN - Bên lề Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh là địa phương có những hành động tích cực nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai nên được chọn là nơi tổ chức sự kiện quốc tế lần này.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN” xuất phát từ những việc làm của Quảng Ninh, một địa phương tiêu biểu trong quản lý thiên tai của Việt Nam và của ASEAN. Việt Nam đưa ra “Tuyên bố Hạ Long” với mong muốn cùng các nước ASEAN tăng cường sự chủ động, hành động sớm hơn trong quản lý về thiên tai theo đúng chủ đề của Hội nghị năm nay là “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Quảng Ninh được lựa chọn là nơi tổ chức sự kiện quốc tế này còn bởi tỉnh là địa phương có kinh tế phát triển và năm nay Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh (30/101963-30/10/2023).
Tỉnh có đầy đủ các yếu tố trong quản lý thiên tai của Việt Nam như có rừng, có biển, có bão, sạt lở, lũ lụt… Thời gian qua, Quảng Ninh là địa phương có công tác chỉ đạo, ứng phó với các sự cố thiên tai khá tốt, làm giảm thiểu nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Tỉnh huy động nhiều nguồn lực trong đầu tư hạ tầng một cách bền vững. Các hạ tầng của tỉnh đều tính đến các yếu tố phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2023 về quản lý thiên tai tại Quảng Ninh, Việt Nam muốn giới thiệu với bạn bè trong khu vực về một mô hình mẫu trong quản lý thiên tai, đồng thời khẳng định Việt Nam đã có những hành động từ sớm, từ xa trong quản lý thiên tai.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, cần hành động sớm từ việc dự báo, công tác chuẩn bị, đến ý thức người dân, đầu tư cơ sở hạ tầng và quyết tâm của lãnh đạo địa phương. Trong phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã xác định việc chủ động trong ứng phó, giảm thiệt hại về thiên tai mang yếu tố quyết định đến phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam.
Chia sẻ cụ thể các giải pháp về phòng, chống sạt lở ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương cần chia vùng quản lý. Những vùng có nguy cơ cao về sạt lở dứt khoát không được bố trí dân cư sinh sống, không bố trí các công trình công cộng và các hoạt động kinh tế lớn; thực hiện tốt, sớm hơn về dự báo nguy cơ sạt lở; đặc biệt, con người cần ít tác động vào thiên nhiên, cố gắng “thuận thiên” trong các hoạt động kinh tế. Đây được coi là những vấn đề lớn đối với cả Việt Nam và các nước ASEAN cần quan tâm, thực hiện trước mắt và lâu dài./.