Khi Việt Nam đăng cai Hội nghị AMMDM lần thứ 11, các nước ASEAN và Đông Timor (tham dự với tư cách giám sát viên) kỳ vọng có nhiều sáng kiến, các hoạt động thiết thực để quản lý thiên tại ở ASEAN.
TTXVN - Ngày 9/10, phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai đã khai mạc tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Tham dự là đại diện các nước thành viên ASEAN cùng các tổ chức quốc tế liên quan.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các hoạt động trong năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”.
Hội nghị lần này sẽ cụ thể hóa các nội dung tại Hội nghị thường niên của Ủy ban lần thứ 42 tại Đà Nẵng diễn ra vào tháng 6 vừa qua. Hội nghị đã đạt được những kết quả thiết thực về tất cả các mặt của quá trình phòng, chống thiên tai, từ đánh giá và giám sát, phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đến tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.
Bên lề Hội nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, các nước tham dự hội nghị đã đồng thuận với Việt Nam sẽ đưa ra “Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN” vào ngày 12/9 tới. Đây là dấu ấn, ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam trong việc cùng với các nước có những hành động giảm nhẹ thiên tai ở các nước ASEAN.
Ông Hiệp cho rằng, khi Việt Nam đăng cai Hội nghị, các nước ASEAN và Đông Timor (tham dự với tư cách giám sát viên) kỳ vọng có nhiều sáng kiến, các hoạt động thiết thực để quản lý thiên tại ở ASEAN. Việt Nam là Quốc gia chịu ảnh hưởng bởi thiên tai rất nhiều, chỉ sau Philippines. Vì vậy, Hội nghị lần này, ngoài Tuyên bố Hạ Long, sẽ có các biên bản: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11; Hội nghị lần thứ 12 các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (Hiệp định AADMER); Họp thường niên lần thứ 42, 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) các cuộc họp liên quan; Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình công tác Hiệp định AADMER giai đoạn 2021 - 2025, góp phần định hướng cho việc xây dựng tầm nhìn ASEAN về Quản lý thiên tai sau năm 2025 cũng như Chương trình công tác Hiệp định AADMER giai đoạn 2025 - 2030.
Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ. Vì vậy, “Quản lý rủi ro thiên tai” là nội dung hợp tác được các quốc gia ASEAN chú trọng từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp. Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực, có uy tín cao trong khối ASEAN, trong đó hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai là một nội dung hợp tác của ASEAN trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Ông Markus Lacalilcao, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ dân sự phụ trách các vấn đề công cộng Philippines chia sẻ: Hợp tác trong vấn đề quản lý thiên tai ở ASEAN rất quan trọng, nhất là khi cường độ lẫn tần suất thiên tai ngày càng gia tăng, để ứng phó một cách có hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, chia sẻ nguồn lực nhân lực, thông tin giúp các nước tăng cường năng lực chống chịu, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là có thể cứu được rất nhiều người, giảm tác động, hậu quả đến kinh tế và môi trường.
Ông Muhd Harrith Rashidi, Giám đốc Trung tâm Quản lý thảm họa Quốc gia Brunei cho rằng, trong thời gian vừa qua, Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai và đã thể hiện được vai trò chủ đạo của mình bằng cách triển khai nhiều hoạt động đạt kết quả khả quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những sáng kiến hay mà Việt Nam đã triển khai để các quốc gia cùng chung tay hành động sớm, tăng cường khả năng ứng phó trước thiên tai.
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận kỳ vọng, bằng kinh nghiệm của mình về việc ứng phó, hành động sớm và tăng khả năng chống chịu với thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của người dân, Việt Nam đề xuất sáng kiến "Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN” với mong muốn được các thành viên ASEAN đồng thuận, ủng hộ và triển khai ở quốc gia mình.
Dự kiến, phiên họp Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 vào ngày 12/10 tới đây sẽ có sự tham dự của 8 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng và hơn 140 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai, các đối tác phát triển của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tổ chức quốc tế trong khu vực. Đông Timor tham dự với vai trò quan sát viên tại hội nghị./.