Xã hội

Quê hương Ấp Bắc và khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền Giang

Sau gần nửa thế kỷ, quê hương Ấp Bắc ngày càng giàu đẹp, cùng cả nước thực hiện khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Tượng đài "Ba chiến sĩ gang thép" tại khu Di tích lịch sử Chiến thắng Ấp Bắc nhắc nhở người dân về lịch sử oai hùng của địa phương. 
Ảnh: Hữu Chí – TTXVN


Ngày 01/3/1976, tỉnh Tiền Giang được hình thành từ ba đơn vị tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và Thành phố Mỹ Tho. Sau gần nửa thế kỷ, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nắm bắt đúng xu thế phát triển của thời đại, gắn phong trào cách mạng ở địa phương với phong trào cách mạng cả nước, lãnh đạo tỉnh thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của tỉnh, xây dựng quê hương Ấp Bắc ngày càng giàu đẹp, cùng cả nước thực hiện khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới.

* Phát huy tinh thần chiến thắng Ấp Bắc anh hùng

Cách đây 62 năm, tại địa danh mang tên Ấp Bắc, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), lực lượng nhỏ của bộ đội địa phương gồm Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 và Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận" và "thiết xa vận” của quân đội Mỹ, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trên trận địa xưa, quân dân và xã Tân Phú nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung tiếp tục xây dựng quê hương giàu đẹp với hành trang quý báu là hào khí chiến thắng Ấp Bắc oai hùng. Chiến trường Ấp Bắc ngày xưa cùng những hố bom chi chít đã được phủ xanh bởi những cánh đồng lúa, rau màu, vườn cây ăn trái mướt mắt. Hai bên những con đường được trải nhựa hoặc bê tông hóa khang trang là các loại hoa được người dân trồng tỉa, chăm sóc cẩn thận…

Ông Lê Thành Đô, 75 tuổi, 55 tuổi Đảng, ở ấp Tân Thới, xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, người đã trải qua những ngày tháng chiến tranh khốc liệt ở chiến trường Ấp Bắc chia sẻ: Chiến trường xưa do bom đạn của chiến tranh tàn phá nay đã thay da đổi thịt đến không ngờ. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã Tân Phú mà địa phương đã có cơ sở hạ tầng khang trang cùng chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt.

Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Văn Phương cho biết: Thời gian qua, nhờ công tác trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương đạt hiệu quả cao. Năng suất lúa đạt bình quân đạt gần 7-8,2 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt gần 7.000 tấn. Đến nay, vụ Đông Xuân 2025 đã thu hoạch được 323,4 ha. Ngoài ra, bà con nông dân đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm là 7 ha, nâng tổng số diện tích chuyển đổi trồng cây lâu năm toàn xã đến nay là 209,51 ha, chủ yếu là trồng dừa, bưởi, mãng cầu, sầu riêng, mít…

Hội viên Hội Nông dân xã Tân Phú tham gia chăm sóc hoa kiểng ở đường giao thông nông thôn. 
Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bên cạnh các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, người dân trong xã Tân Phú đồng tình, hưởng ứng bằng việc hiến đất, đóng góp ngày công lao động để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường, điện, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, kiên cố hóa trường lớp… với tổng kinh phí trên 254,7 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 132,8 tỉ đồng. Từ đó khiến bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tỉ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 100 %.

Đến hết quý I năm 2025, toàn xã chỉ còn 7 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo. UBND xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch thoát nghèo năm 2025. Phân công các ban, ngành, đoàn thể và các ấp chăm lo tốt, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn cho người nghèo và hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo bền vững theo kế hoạch đã đề ra.

* Nỗ lực vượt khó, đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực

Phát huy truyền thống anh hùng của chiến thắng Ấp Bắc cùng nỗ lực vượt khó, khắc phục khó khăn để vươn lên, Tiền Giang hôm nay tự hào là một trong những tỉnh có sự phát triển vượt bậc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp, vào năm 1990, lần đầu tiên, tỉnh đạt hơn 1 triệu tấn lương thực (tăng 24% so với năm 1986) nhờ những chính sách hợp lý của Đảng bộ, chính quyền cùng sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân trong tỉnh.

Một trong những dấu ấn của tỉnh Tiền Giang đạt được sau 50 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước là hiệu quả đạt được của dự án Ngọt hóa Gò Công. Đây là dự án thủy lợi đồ sộ và hiệu quả nhất Nam Bộ, góp phần ngăn mặn, giữ ngọt bảo đảm sản xuất cho trên 37.000 ha đất trồng trọt; trong đó có khoảng 30.000 ha đất trồng lúa, giúp hàng trăm ngàn hộ dân phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động, ổn định cuộc sống.

Từ khi dự án Ngọt hóa Gò Công hoàn thành đưa vào sử dụng, tỉnh Tiền Giang phát huy mạng lưới đê bao cùng cống đập ngăn mặn, trữ ngọt trong nội đồng phục vụ sản xuất để tăng mùa, chuyển vụ, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Từ chỗ trồng lúa một vụ năng suất bấp bênh trước đây, toàn vùng nâng lên sản xuất mỗi năm 2 - 3 vụ ăn chắc.

Xã Tân Phú có 17 ha diện tích sầu riêng, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha. 
Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Tiền Giang cơ bản thu hoạch xong trên 31.687 ha lúa Đông Xuân 2023-2024; trong đó, riêng các huyện nội đồng vùng dự án Ngọt hóa Gò Công là gần 30.000 ha với năng suất rất khá, bình quân 68,58 tạ/ha và sản lượng cả vụ đạt trên 217.298 tấn lúa. Sau khi trừ đi chi phí, nông dân còn lãi từ 18-20 triệu đồng/ha. Đây là mức lãi cao nhất so với vụ Đông Xuân những năm trước.

Hiện nay, Tiền Giang là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản. Trong quý I năm 2025, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng, giữ vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 12,4% kỳ. Trong khu công nghiệp, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký 2 dự án FDI, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án. Tổng vốn đầu tư đến hết quý I/2025 là 40,85 triệu USD và 426,4 tỉ đồng.

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I-2025 thực hiện 23.190 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch, tăng 8,6% so cùng kỳ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 1,4 tỷ USD, đạt 20% kế hoạch, tăng 1,5% so cùng kỳ. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng so với cùng kỳ.

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Tiền Giang liên tục tăng qua các năm, góp phần giúp đời sống vật chất của người dân cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2024 là trên 72 triệu đồng.

Kết quả rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2024 ghi nhận tỷ lệ hộ nghèo của Tiền Giang đã giảm xuống dưới mức 0,79% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Như vậy, tỉnh Tiền Giang đã về đích sớm 3 năm đối với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về giảm nghèo.

Đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang vừa thông qua kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/4/2025, tỉnh Tiền Giang cơ bản không còn hộ dân sống trong nhà tạm, nhà dột nát.

Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, khang trang, sạch đẹp; 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có điện chiếu sáng và trên 99% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; mạng lưới giao thông phát triển mạnh mẽ, đường nhựa và đường bê tông đến tận khu dân cư… Tiền Giang đã nhanh chóng xóa mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục và hiện nay 100% địa phương đã đạt chuẩn phổ cập mức độ 2 với chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng cao…

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với các sở, ngành và địa phương hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong quý II năm 2025./.

Hữu Chí

Xem thêm