Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần xem xét lại cơ chế, chính sách nhằm tạo sự khuyến khích để người dân thay đổi hành vi, dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn.
Ngày 24/7, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã đến khảo sát, làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi luật bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đã ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Bảo vệ môi trường; hiện còn 23 văn bản chưa ban hành hoặc chưa trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành do nội dung xây dựng có liên quan đến việc áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ… hoặc do chưa có quy định cụ thể chính sách, hình thức ưu đãi dẫn đến lúng túng khi xây dựng, ban hành văn bản.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2020, tuy nhiên một số văn bản hướng dẫn thi hành ban hành chậm như: quy trình và quy định định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; quy định khoảng cách an toàn môi trường...
Liên quan đến việc triển khai các chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm, ông Nguyễn Hồng Nguyên cho biết, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) có 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang hoạt động đều đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Ngoài ra, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũ và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ cũng đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thu gom, thoát nước mưa và hệ thống thu gom, thoát nước riêng biệt.
Đánh giá về công tác phân loại rác tại nguồn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố nhìn nhận, để phát huy hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn cần phải có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật giữa các khâu từ thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý đối với các loại chất thải sau phân loại.
“Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ rà soát điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, trung chuyển và định hướng công nghệ xử lý của Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập để xác định đối tượng và lộ trình thực hiện phân loại phù hợp. Thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ để người dân xây dựng thói quen trong việc phân loại rác tại nguồn”, ông Nguyên nói thêm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại cần sớm có chiến lược để làm thay đổi toàn diện, cải thiện những hạn chế về ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở nên chăng coi đây là một nguồn “tài nguyên thứ cấp”, biến cái bỏ đi thành nguồn tài nguyên để tạo ra những giá trị kinh tế.
“Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới đô thị thông minh, giao thông thông minh. Vậy nên chăng đặt thêm chiến lược về xử lý rác thông minh. Trong đó, đổi mới tư duy tiếp cập trong xử lý rác thải theo hướng hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn từ rác”, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị.
Về công tác phân loại rác tại nguồn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần xem xét lại cơ chế, chính sách nhằm tạo sự khuyến khích để người dân thay đổi hành vi, dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn.
Phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết: Thành phố đang gấp rút thực hiện quy hoạch lại Thành phố Hồ Chí Minh mới, trong đó xây dựng cả chiến lược bảo vệ môi trường mới trên cơ sở lấy người dân làm chủ đạo và xem rác là tài nguyên.
“Độ “lệch” trong quản lý đang ảnh hưởng đến kết quả phân loại rác tại nguồn của thành phố. Khi mà việc phân loại rác tại các hộ dân làm tốt nhưng qua các khâu trung chuyển, vận chuyển lại bị “trộn” vào khiến cho kết quả chưa như mong muốn”, Chủ tịch Nguyễn Văn Được cho biết.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã đến khảo sát công trình xử lý, tái chế chất thải, đốt rác điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh); khảo sát quy trình công nghệ của Nhà máy xử lý nước thải Thuận An (phường Lái Thiêu, Thành phố Hồ Chí Minh); giám sát và trao đổi thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (xã Hưng Long, Thành phố Hồ Chí Minh)./.