Sức khỏe

Quỹ Toàn cầu hỗ trợ hàng trăm triệu đô la Mỹ cho hoạt động phòng, chống lao tại Việt Nam

Với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, Việt Nam đã là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do lao vào năm 2015

TTXVN - Ngày 9/5, đoàn đại biểu tham dự hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu gồm 15 chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã đến thăm, làm việc với Bệnh viện Phổi Trung ương; thăm các khoa Vi sinh và Labo lao chuẩn quốc gia, khoa Lao hô hấp và khoa Nhi của bệnh viện.

Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: BVCC)

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2003. Tính đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.

Cuối năm 2022, Quỹ Toàn cầu đã thông báo trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam trên 130 triệu đô la Mỹ để phòng chống 3 bệnh này và tăng cường hệ thống y tế…

Bệnh viện Phổi Trung ương là một trong những đơn vị đầu tiên được tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ Quỹ Toàn cầu từ năm 2004. Đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống lao tại Việt Nam giai đoạn 2004 – 2023 hơn 256 triệu đô la Mỹ.

Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia đánh giá cao sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu đối với hoạt động chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh lao tại Việt Nam; đồng thời khẳng định: "Viện trợ của Quỹ Toàn cầu đã đồng hành và hiện diện rõ nét trên chặng đường thành công phòng, chống lao ở Việt Nam".

Với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, Việt Nam đã là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do lao vào năm 2015; phát hiện và điều trị trung bình cho hơn 100.000 bệnh nhân lao mỗi năm với tỷ lệ khỏi bệnh cao; cứu sống được trung bình 50.000 bệnh nhân lao mỗi năm, được thế giới đánh giá là mô hình điểm bước vào con đường chấm dứt bệnh lao. Việt Nam cũng đã ra khỏi danh sách của 30 quốc gia có gánh nặng cao nhất về lao/HIV từ sau năm 2015, tỷ lệ HIV dương tính trong bệnh nhân lao đã giảm xuống còn 3% năm 2021.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Đinh Văn Lượng, mặc dù đạt được nhiều thành công, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: BVCC)

Trong bối cảnh chung của thế giới, 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

"Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân Chương trình chống lao phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật Kế hoạch chiến lược phòng chống lao Quốc gia, và điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh.

Năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021 và tăng 1,8% so với năm 2020.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng mới phát hiện được 60% số bệnh nhân trong cộng đồng và vẫn còn khoảng 40% (khoảng gần 50.000) bệnh nhân chưa được phát hiện, đưa vào điều trị.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Bình Hòa lý giải: "Sở dĩ bệnh lao chưa chấm dứt trên thế giới vì rất nhiều bệnh nhân mắc lao mà không có triệu chứng. Theo điều tra của chúng tôi, ước tính khoảng 40-60% bệnh nhân mắc lao dù có bằng chứng vi khuẩn, là nguồn lây, nhưng thời điểm phát hiện chưa có triệu chứng. Vì vậy, để phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng cần kết hợp các biện pháp phát hiện chủ động tại cộng đồng và phát hiện tích cực tại các cơ sở y tế, bên cạnh đó, người dân nếu có nguy cơ cần chủ động đi khám".

Các đại biểu trao đổi bên lề cuộc làm việc. (Ảnh: BVCC)

Năm 2023, Việt Nam được lựa chọn là quốc gia đăng cai Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu với sự tham dự của đại diện lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế giới để bàn về những quyết sách quan trọng của Quỹ Toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo Quỹ Toàn cầu và các nước được trực tiếp hiểu thêm về những thành tựu, cũng như khó khăn, thách thức trong hoạt động phòng chống lao, HIV và sốt rét tại Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Qũy Toàn cầu sẽ được tổ chức vào ngày 10/5/2023 tại Khách sạn Melia, Hà Nội./.


Bích Thủy

Xem thêm