Sản xuất nông, lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường carbon
Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất nông lâm nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển thị trường carbon, góp phần nâng cao đời sống của người sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 4/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Thực trạng sản xuất nông lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thị trường carbon tại Đắk Lắk”.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh có khoảng 679.000ha đất nông nghiệp, hơn 700.000ha đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt 38,04%. Những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk đã có những dịch chuyển khả quan. Các mô hình kinh tế nông lâm nghiệp đang thể hiện vai trò là trợ lực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình phát triển nông lâm nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đắk Lắk đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, tín chỉ carbon và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, phần lớn diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp chưa được quản lý theo các tiêu chuẩn quản lý bền vững. Diện tích được tính tín chỉ carbon mới triển khai ở giai đoạn đầu nên còn nhiều hạn chế. Mặt khác, sản xuất nông lâm nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng. đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng... Do đó, hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất nông lâm nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển thị trường carbon, góp phần nâng cao đời sống của người sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ, thảo luận về thực trạng sản xuất nông, lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng phát triển thị trường carbon tại Đắk Lắk; giảm phát thải khí nhà kính, tiềm năng thương mại carbon trong lâm nghiệp. Các đại biểu cũng đề cập đến kinh tế lâm nghiệp tuần hoàn và cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon; chương trình carbon tự nguyện; sản xuất cà phê phát thải thấp, phát triển thị trường carbon tại Đắk Lắk. Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Lắk thông tin về thực trạng sản xuất nông lâm nghiệp tại đơn vị và đề xuất phát triển, xây dựng các giải pháp, kế hoạch thực hiện chứng chỉ carbon.
Các ý kiến đều cho rằng, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý ngành nông, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng thu nhập của người dân. Các đại biểu cũng chỉ ra cơ hội và thách thức về xây dựng, phát triển thị trường carbon tại Đắk Lắk, chính sách liên quan tới phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, phát triển thị trường carbon...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nêu rõ, tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển tín chỉ carbon, chủ yếu là tín chỉ carbon từ rừng và lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam đang trong quá trình thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn trao đổi tín chỉ carbon từ năm 2025 với kỳ vọng vận hành chính thức hệ thống mua bán tín chỉ carbon vào năm 2028. Do đó, nếu thực hiện được thị trường tín chỉ carbon thì đây sẽ là nguồn lợi đáng kể từ nông, lâm nghiệp và đóng góp cho phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để đẩy nhanh tiến trình phát triển thị trường carbon, thời gian tới, UBND tỉnh mong muốn các tổ chức, đơn vị, diễn giả, nhà khoa học, nhà quản lý giới thiệu, đánh giá một số mô hình điển hình, tiêu biểu trong sản xuất nông lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và vận hành thị trường carbon, làm rõ các bài học hay, phù hợp với thực tiễn; đề xuất cơ chế hợp tác về tín chỉ carbon, thúc đẩy xây dựng các dự án thí điểm về trao đổi carbon cho Đắk Lắk./.