Thời tiết

Sau ngày 12/9, tình hình mưa có dấu hiệu giảm

Theo dự báo trong vòng 6 giờ tới, mực nước ở hệ thống sông chính tiếp tục tăng lên và đạt 11.3m, dưới báo động 3 khoảng 20cm và có thể chững lại.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn trao đổi về tình hình mưa lũ trưa 11/9 tại Tổng cục Khí tượng thủy văn. Ảnh: Thắng Trung-TTXVN

Ngày 11/9, trao đổi với báo chí lúc 11 giờ 30 phút, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, từ ngày 11-12/9, mưa tiếp tục xảy ra ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau ngày 12/9, tình hình mưa có dấu hiệu suy giảm.

Lũ trên sông Hồng đang có xu thế tăng. Theo dự báo, mực nước trên thượng nguồn biến đổi chậm nên mực nước trên sông Hồng những giờ tới còn xu thế tăng nhưng tăng chậm và có nguy cơ ngập úng ở vùng hạ du. Các khu vực ở hạ du sông Hồng sẽ có nguy cơ lên mức báo động 3, đặc biệt là khu vực trũng thấp, khu vực ven sông. Đây là đợt lũ hiếm gặp trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Thông tin về tình hình lũ tại khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ Võ Văn Hòa cho biết, hiện nay, dưới hạ du khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ vẫn còn nguy cơ ngập úng kéo dài trong những ngày tới do tác động của mưa lũ. Những khu vực tiếp xúc với sông Thương và sông Cầu như: Lục Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa vẫn đang bị ngập. Lượng nước ở sông Thương và sông Cầu vẫn có xu thế tăng lên trong 6 giờ tới. Mối nguy hiểm vẫn còn kéo dài trong 1 đến 2 ngày tới đặc biệt là vấn đề ngập úng.

Đối với khu vực Hà Nội, hiện tượng ngập úng ở ven các khu vực hệ thống sông chính như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy cũng đã xảy ra. Theo dự báo trong vòng 6 giờ tới, mực nước ở hệ thống sông chính tiếp tục tăng lên và đạt 11.3m, dưới báo động 3 khoảng 20cm và có thể chững lại. Tuy nhiên, điều này vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến mưa trong khoảng thời gian trước mắt cũng như việc xả lũ các hồ thủy điện.

Đối với các sông như: sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ mực nước vẫn đang duy trì ở mức báo động 3, gây ra hiện tượng nước dâng và tràn vào một số khu vực nội đồng. Khu vực Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên nước đã ngập ở ven đê. Trong 6 giờ tới, mực nước sông Hồng tăng lên thì nguy cơ tiếp tục ngập ở khu vực này vẫn còn hiện hữu.

Ngoài ra các quận, huyện như: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Đông Anh và Hà Đông tiếp tục chịu ảnh hưởng do nước ở các hệ thống sông nhỏ, sông nội tỉnh tăng lên gây ngập úng cục bộ. Hiện nguy cơ lớn nhất có thể nhìn thấy đó là khả năng xảy ra ngập úng kéo dài do nước ở các sông chính cao, việc thoát nước ra phía ngoài bị ảnh hưởng.

Theo ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn: "Hiện nay, thông tin đưa trên mạng xã hội có sự nhầm lẫn khi chúng tôi đưa ra các bản tin cảnh báo ngập úng trong khu vực Hà Nội khi có mưa lớn xảy ra. Nhưng có nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng đó là thông tin ngập lụt do lũ ở sông Hồng. Điều này dẫn đến người dân hiểu sai về việc lũ sông Hồng đang lên và gây ngập vào nội thành là không có. Lũ sông Hồng đang lên nhưng so với số liệu cập nhật sáng 11/9 thì mức độ này chỉ xảy ra ở khu vực ngoài đê như Phúc Tân, Phúc Xá, đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm và không ngập vào khu vực nội đô".

Ông Vũ Đức Long cho biết, một số sông ở thượng nguồn như sông Thao mực nước đều đạt đỉnh và đang xuống. Hồ thủy điện Hòa Bình đã đóng hết cửa xả, hồ Tuyên Quang cũng đóng thêm 1 cửa xả nữa. Điều này giúp giảm tải được lượng nước từ phía thượng nguồn về hạ lưu. Tuy nhiên, những bất lợi vẫn còn tồn tại đó là lượng nước trên sông Thao đã xuống nhưng vẫn đang ở mức cao và rút rất chậm, đặc biệt khu vực hạ lưu đồng bằng. Bên cạnh đó, hầu hết các trạm trên các sông đều đã xuất hiện ở mức báo động 3 trở lên. Một số sông đã xuất hiện mực nước lịch sử nên khả năng tiêu thoát sẽ chậm.

Ông Vũ Đức Long khuyến cáo, người dân cần theo dõi và cập nhật những thông tin dự báo, cảnh báo trên trang web của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, khu vực và các thông tin cập trên phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương để kịp thời ứng phó, giảm thiệt hại./.


Thắng Trung

Tin liên quan

Xem thêm