Sơn La: Đổi mới phương thức giám sát, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư khai thác khoáng sản đã ký cam kết về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
TTXVN - Ngày 11/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả nội dung cam kết giữa Chủ tịch UBND tỉnh với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về thực hiện quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu yêu cầu, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền cấp tỉnh về tài nguyên và môi trường. Ngành Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh chương trình chuyển đổi; tập trung rà soát tình trạng lãng phí đất đai và quản lý chặt chẽ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... trên phạm vi tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản; giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; thiết lập các kênh thông tin theo dõi, đánh giá, lắng nghe tiếng nói, phản hồi của nhân dân, doanh nghiệp về công tác quản lý tài nguyên và môi trường của tỉnh…
Hội nghị đã tập trung đánh giá những kết quả năm 2022 ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được, chỉ ra các mặt còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của tỉnh Sơn La. Năm 2022, ngành đã thực hiện có hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn; nâng cao chỉ số thu gom và xử lý rác thải gắn với xây dựng các mô hình về quản lý, bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải; đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục, camera giám sát truyền trực tiếp qua app điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật, kiên quyết không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản cho 30 mỏ, đấu giá quyền khai thác khoáng sản 5 mỏ, cấp phép thăm do 5 mỏ, phê duyệt trữ lượng 4 mỏ, phê duyệt đề án đóng cửa 3 mỏ, quyết định đóng cửa 1 mỏ, tạm dừng hoạt động 2 mỏ… Ngành đã xử lý 301 vụ vi phạm về lĩnh vực đất đai, 2 cơ sở vi phạm về lĩnh vực môi trường, 18 vụ vi phạm khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép.
Đối với nội dung ký cam kết giữa Chủ tịch UBND tỉnh với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2022, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã cơ bản thực hiện đầy đủ, có hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; thành lập các tổ giám sát, các đoàn kiểm tra đánh giá kết quả triển khai, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; ký cam kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn về bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, cam kết không xả chất thải chưa xử lý gây ô nhiễm…
Hội nghị đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND tỉnh với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư khai thác khoáng sản về cam kết thực hiện quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2023./.