Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận gần 900 ca sốt xuất huyết Dengue. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ đầu năm đến ngày 14/8, địa phương ghi nhận gần 900 ca sốt xuất huyết Dengue. Tình hình bệnh diễn biến phức tạp khi các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh đã xuất hiện ca bệnh và số ca mắc tăng hơn gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nửa tháng 8/2024, toàn tỉnh có hơn 80 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, thành phố Huế là địa bàn "nóng" khi số lượng bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế thành phố tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2023. Trung bình mỗi tuần, Khoa Nội nhi - Truyền nhiễm tiếp nhận 10-15 trường hợp có kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính.
Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thị Kim Chi, Phó Trưởng khoa Nội nhi - Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế thành phố Huế chia sẻ, hầu hết các ca bệnh nhập viện vào các ngày thứ 3, 4 của chu kỳ sốt xuất huyết; có triệu chứng sốt cao, nhức mỏi toàn thân, nhức hốc mắt và đau đầu nhiều. Thông thường, việc điều trị kéo tài 7-8 ngày; khi các triệu chứng lâm sàng ổn định, giảm sốt, tiểu cầu lên trên 100 thì người bệnh được xuất viện.
Nằm điều trị tại Khoa, bệnh nhân nam T.T.Đ.H (30 tuổi, trú phường Thủy Biều, thành phố Huế) may mắn vào viện từ sớm nên sức khỏe đã dần hồi phục, hết sốt và bắt đầu nổi nhiều ban đỏ ngứa. Bệnh nhân cho biết, anh có dấu hiệu bệnh khoảng một tuần trước với cơn sốt kéo dài 39-40 độ C, cơ thể suy kiệt, chóng mặt. Vì xung quanh khu vực nhà có vườn nhiều cây cối nên khi có các dấu hiệu bệnh, gia đình đã nghi ngờ sốt xuất huyết và nhanh chóng đưa anh vào viện.
Ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết nặng do chủ quan nhập viện muộn vào ngày thứ 7 của chu kỳ sốt xuất huyết, bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Huế nhấn mạnh, người dân cần tích cực tham gia phong trào Ngày Chủ nhật xanh; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống; phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra, thau vét, tránh để nguồn nước đọng ở các vật dụng chứa nước trong thời điểm thời tiết mưa nắng thất thường hiện nay. Đặc biệt, người dân khi có các triệu chứng của sốt xuất huyết như nổi ban sung huyết, xuất huyết thì cần đến ngay cơ sở y tế để khám, chẩn đoán kịp thời và cho kết quả điều trị tốt nhất.
Là đơn vị tiếp nhận số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue lớn nhất trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Trung ương Huế (tính cả 3 cơ sở trực thuộc) đã điều trị cho 712 ca bệnh trong 7 tháng của năm 2024, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuần 27 (1/7 đến 7/7) năm 2024 được ghi nhận là tuần cao điểm với số ca mắc sốt xuất huyết Dengue đạt đỉnh với 70 ca. Từ đó đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue có xu hướng tăng giảm thất thường cho thấy tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue năm nay rất phức tạp, khó lường. Cùng với đó, thời tiết nắng mưa xen kẽ là yếu tố nguy cơ cao tạo điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản và phát sinh bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế không có ca bệnh trong các năm 2021, 2023 và có 15 ca bệnh rải rác vào năm 2022. Tuy nhiên, thời gian vừa qua địa phương này đã ghi nhận gần 30 ca mắc sốt xuất huyết Dengue ở các xã Hồng Thủy, Hồng Hạ, thị trấn A Lưới…; trong đó, một số ca được xác định ngoại lai. Tình hình bệnh đang có chiều hướng lây lan ra các xã khác khi 9/18 xã, thị trấn của huyện đã ghi nhận ca bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập đoàn làm việc, hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện A Lưới và các xã điều tra các chỉ số véc tơ, xét nghiệm test nhanh NS1 cho các trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết Dengue khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Lực lượng y tế tỉnh và thành phố Huế phun thuốc chủ động và thau vét bọ gậy trên địa bàn các phường của thành phố nhằm khống chế, không để dịch sốt xuất huyết lan rộng, kéo dài.
Ngành Y tế Thừa Thiên - Huế khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống. Chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, đa dạng hơn về hình thức, cập nhật tin tức nhằm nâng cao nhận thức mọi người về phòng, chống dịch bệnh./.