Các chuyên gia, nhà khoa học nhất trí với sự cần thiết sớm sửa đổi Luật Viễn thông nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.
TTXVN - Tại Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Theo dõi Phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học nhất trí với sự cần thiết sớm sửa đổi Luật Viễn thông nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, cụ thể như: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định pháp luật về viễn thông và thực tiễn thực hiện.
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 Chương, 74 Điều quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng. Dự thảo Luật cũng quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh.
Theo Tiến sỹ Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang, sau nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu và chỉnh sửa, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) phiên bản tháng 5/2023 đã được Cơ quan soạn thảo Trung ương chuẩn bị tương đối hoàn chỉnh, kết cấu gọn nhẹ, gồm 10 chương 74 điều. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo với các luật khác trong cùng lĩnh vực như: Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Tần số vô tuyến điện... Tiến sỹ Cao Hồng Kỳ đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh của Luật, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này đã mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông, bao gồm các dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông như: Hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet. Cùng với đó là dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Ba dịch vụ trên đều khác với dịch vụ viễn thông và không được quy định trong Luật Viễn thông hiện hành.
Mặt khác, theo pháp luật của các quốc gia trên thế giới và thông lệ quốc tế, các dịch vụ này đều không phải là dịch vụ viễn thông và được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật riêng. Do đó, Tiến sỹ Cao Hồng Kỳ đề nghị, Cơ quan soạn thảo xem xét không nên đưa “dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu” vào quản lý trong Luật Viễn thông. Theo Tiến sỹ Cao Hồng Kỳ, dịch vụ ứng dụng Internet trong Viễn thông nên được đưa vào nội dung điều chỉnh trong Luật An ninh mạng. Dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây nên được đưa vào Luật Công nghệ thông tin.
Góp ý về điều kiện gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp mới giấy phép viễn thông, Thạc sỹ Đặng Thanh Hưởng, Phó Trưởng Ban Truyền thông Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, nội dung tại điểm b khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật quy định: “…trường hợp giấy phép có thời hạn cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa … thì khi giấy phép hết hạn sử dụng, chỉ được xem xét gia hạn không quá một năm” là chưa đảm bảo tính công bằng, chưa bình đẳng về thời gian được cấp sử dụng giấy phép viễn thông cho các chủ thể; đồng thời, vi phạm mốc thời gian tối đa giấy phép viễn thông trong một số trường hợp cấp phép lần đầu đã được cấp thời hạn tối đa của giấy phép. Vì vậy, Thạc sỹ Đặng Thanh Hưởng đề nghị, Cơ quan soạn thảo chỉnh sửa lại theo hướng: “…trường hợp giấy phép có thời hạn cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép đó, khi giấy phép hết hạn sử dụng thì không gia hạn nữa”.
Đánh giá về trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước về viễn thông, Điều 69 và 70 của dự thảo Luật chưa quy định cụ thể “nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về viễn thông”, Thạc sỹ Đặng Thanh Hưởng đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể trong “nội dung quản lý nhà nước về viễn thông” để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước (Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông; từ đó, tạo thuận lợi trong quá trình phối hợp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi toàn quốc, lĩnh vực, địa phương mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Các chuyên gia, nhà khoa học đều kỳ vọng dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết các hạn chế, vướng mắc, bất cập, mở rộng không gian cho doanh nghiệp viễn thông phát triển, thúc đẩy hạ tầng viễn thông sớm trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số./.