Những góc nhìn đa chiều từ các diễn giả là các chuyên gia tâm lý học, đại diện các tổ chức quốc tế ,... đã phân tích kỹ về cách tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan đến tổn thương tâm lý trong quá trình tác nghiệp báo chí.
Ngày 6/12 tại Hà Nội, Đại sứ quán các nước Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ; Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) tổ chức Tọa đàm về "Tác nghiệp báo chí với nội dung liên quan tới tổn thương tâm lý".
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà báo có kinh nghiệm cũng như những sinh viên báo chí để thảo luận sâu sắc về vấn đề đưa tin nhạy cảm với chấn thương; đồng thời giải quyết một câu hỏi cấp bách: Làm thế nào các nhà báo có thể kể những câu chuyện về chấn thương một cách có đạo đức và có trách nhiệm mà không gây thêm tổn hại?
Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Toàn – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho rằng, trong bối cảnh xã hội hiện đại, báo chí không chỉ phản ánh hiện thực mà còn mang sứ mệnh bảo vệ, hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những nạn nhân của bạo lực, thiên tai hoặc các vấn đề xã hội khác. Việc tác nghiệp báo chí liên quan đến những nội dung dễ gây tổn thương tâm lý đòi hỏi sự nhạy cảm, hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm cao từ người làm báo. Đây không chỉ là yêu cầu về mặt nghiệp vụ, mà còn là trách nhiệm đạo đức, là sự cam kết của báo chí với cộng đồng và xã hội.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn tự hào là cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông hàng đầu tại Việt Nam, không ngừng nỗ lực để trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng và giá trị đạo đức cần thiết, giúp họ trở thành những nhà báo có trách nhiệm với xã hội. Đây cũng là dịp để sinh viên có cơ hội tiếp cận với những kinh nghiệm thực tế, những câu chuyện từ các chuyên gia và nhà báo, qua đó hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong tương lai.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Caroline Beresford khẳng định, công việc của nhà báo có sức mạnh to lớn, không chỉ để cung cấp thông tin mà còn đòi hỏi công lý và khuếch đại tiếng nói một cách có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm bảo vệ phẩm giá của những người mà những nhà báo đã từng gặp gỡ và trao đổi.
Ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm cho rằng, những đối tượng liên quan đến tổn thương tâm lý thường là người vừa gặp phải một tai nạn nghiêm trọng, hay trải qua các thủ tục y tế phức tạp, bị ốm đau nặng. Thậm chí có những cá nhân bị bạo lực gia đình hoặc bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục, mất hoặc phải xa cách người thân, bị cô lập, xao nhãng, bỏ rơi, bị mua bán; đối mặt với bão lũ, sạt lở đất, sóng thần, động đất, ngập lụt..
Thạc sỹ Tâm lý Hoàng Thu Huyền (Hagar Quốc tế tại Việt Nam) phân tích, những người này thường có suy nghĩ tiêu cực, thiếu tập trung, giảm trí nhớ, ám ảnh, ký ức sự kiện rời rạc, thiếu logic và chính xác. Họ không tin tưởng và có cảm giác bị cô lập và nỗi sợ bị phán xét làm họ khó mở lòng hoặc hợp tác. Việc nắm bắt các dấu hiệu sớm của trạng thái kích hoạt và phản ứng nhạy cảm có thể không chỉ giúp bảo vệ người phỏng vấn mà còn tạo dựng mối quan hệ tin tưởng, góp phần tạo ra bài báo nhân văn và sâu sắc hơn.
Khi bài báo xuất hiện với tinh thần đồng cảm, các đối tượng bị tổn thương sẽ cảm thấy được thừa nhận, lắng nghe và dễ dàng khôi phục cảm giác giá trị bản thân; tăng cường niềm tin và sự kết nối với con người, thậm chí có thể truyền cảm hứng, giúp cộng đồng vượt qua tổn thương.
"Là những người làm báo, bạn không chỉ kể câu chuyện, mà còn chạm vào trái tim và khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn trong những người bị tổn thương. Hãy đồng cảm với nỗi đau của họ, bởi mỗi câu từ bạn viết ra có thể là hạt giống của sự chữa lành hoặc thêm gánh nặng cho một tâm hồn đã chịu nhiều đổ vỡ. Hãy để ngòi bút của bạn trở thành cầu nối giữa những trái tim tan vỡ và hy vọng phục hồi, giúp họ cảm nhận rằng họ không bị bỏ lại phía sau", Thạc sỹ Tâm lý Hoàng Thu Huyền chia sẻ.
Đồng tình với chia sẻ trên, nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng, để tránh tổn thương cho đối tượng được phỏng vấn, phóng viên cần nghiên cứu kỹ chủ đề, qua các nguồn khác nhau trước khi gặp nhân vật; chuẩn bị thiết bị nhưng không làm nạn nhân sợ hãi, tránh gây ồn ào; giải thích cho nạn nhân biết mục đích và những gì sẽ diễn ra trên truyền thông. Đặc biệt, nên chuẩn bị list câu hỏi, tránh những câu gây tổn thương; đồng thời bày tỏ sự thông cảm và sẵn sàng hỗ trợ, hỏi xem nạn nhân có sẵn sàng chia sẻ hay không.
Các đại biểu khẳng định, Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia tâm lý, các nhà báo giàu kinh nghiệm và các đại biểu cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những bài học thực tiễn quý báu. Những góc nhìn đa chiều từ các diễn giả là các chuyên gia tâm lý học, đại diện từ các tổ chức quốc tế và các nhà báo đã phân tích kỹ về cách tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan đến tổn thương tâm lý trong quá trình tác nghiệp báo chí. Những chia sẻ này không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn mở ra những hướng đi mới trong việc xây dựng một nền báo chí nhân văn, lấy con người làm trung tâm…/.
Đỗ Bình