Với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, tình hình trật tự, an toàn giao thông trong kỳ nghỉ Lễ cơ bản được đảm bảo.
TTXVN - Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, điểm đáng chú ý trong 5 ngày nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 là tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người tử vong, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo của Văn phòng Bộ Công an cho biết, 5 ngày nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra 129 vụ tai nạn giao thông, làm 67 người tử vong, bị thương 90 người. So với 5 ngày cùng kỳ năm 2022, giảm 9 vụ (6,5%), giảm 5 người tử vong (6,9%), giảm 16 người bị thương (15,1%).
Tai nạn giao thông đường bộ chiếm chủ yếu, với 125 vụ, làm 64 người tử vong, bị thương 90 người, giảm 11 vụ, giảm 7 người tử vong, giảm 16 người bị thương so với 5 ngày cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đường sắt đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm 3 người tử vong; tăng 2 vụ, tăng 2 người tử vong so với cùng kỳ năm 2022.
Ngày 3/5, toàn quốc xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông, làm 17 người tử vong, bị thương 26 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 22 vụ, làm 16 người tử vong, bị thương 26 người. Đường sắt xảy ra 2 vụ, làm 1 người tử vong.
Nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 281/CĐ-TTg. Thực hiện Công điện này, các bộ, ngành và 63 địa phương đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kịp thời chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Công an 63 địa phương để triển khai Công điện.
Lực lượng chức năng các địa phương, đặc biệt là Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải tiếp tục hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tả; huy động 100% quân số, với nhiều phương án phân luồng, hạn chế ùn tắc, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, 5 ngày qua, riêng trên tuyến đường bộ, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 49.371 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 107,6 tỷ đồng, tạm giữ 847 xe ô tô, 20.067 xe mô tô và 210 phương tiện khác; tước 11.033 giấy phép lái xe.
Trong đó, Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 48.819 trường hợp vi phạm; phạt tiền trên 106,4 tỷ đồng; tạm giữ 826 xe ô tô, 20.067 xe mô tô, 210 phương tiện khác; tước 10.914 giấy phép lái xe các loại. Riêng vi phạm về nồng độ cồn đã phát hiện 15.852 trường hợp, vi phạm về tốc độ 10.649 trường hợp, chở quá số người quy định 867 trường hợp, chở hàng quá tải trọng 489 trường hợp, quá khổ giới hạn 106 trường hợp, tự ý cải tạo phương tiện 26 trường hợp, vi phạm ma túy 33 trường hợp.
Tuyến đường thủy và đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương cũng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý trên 600 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 850 triệu đồng.
Chỉ riêng ngày 3/5, đã có 10.604 trường hợp vi phạm bị xử lý (đường bộ 10.471 trường hợp, đường thủy 127 trường hợp, đường sắt 6 trường hợp) với số tiền phạt lên đến hơn 21 tỷ đồng. Có 144 xe ô tô, 3.974 xe mô tô, 124 phương tiện khác bị tạm giữ. Cảnh sát giao thông tước 2.138 giấy phép lái xe các loại. Vi phạm về nồng độ cồn vẫn chiếm chủ yếu với 3.190 trường hợp, kế đến là vi phạm về tốc độ với 2.819 trường hợp, chở quá số người quy định 195 trường hợp, chở hàng quá tải trọng 104 trường hợp. Có 8 trường hợp vi phạm về ma túy.
Cùng với việc tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương đã chủ động có phương án, kế hoạch phòng, chống đua xe trái phép, trong đó, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 44 trường hợp, Cảnh sát giao thông Hòa Bình xử lý 35 trường hợp thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô không gắn biển kiểm soát, lạng lách, đánh võng, nẹt pô…
Kỳ nghỉ lễ năm nay, do lượng phương tiện tham gia giao thông có thời điểm tăng đột biến, đã gây ra hiện tượng ùn tắc kéo dài tại các cửa ngõ khi người dân rời và trở lại thành phố lớn sau kỳ nghỉ lễ. Đặc biệt là vào các ngày 28, 29/4 và 2/5, một số tuyến chính cửa ngõ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị ùn tắc. Từ chiều 28 và sáng 29/4, tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và các trạm thu phí trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 5B… xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài do lưu lượng giao thông tăng cao, vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông theo đúng nội dung các phương án đã đề ra.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, công tác vận tải hành khách được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ Lễ. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định.
Đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhận hơn 30 ý kiến phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi); giảm so với kỳ nghỉ lễ năm 2022. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định; va chạm giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường, trạm thu phí và các khu vực du lịch nghỉ dưỡng. Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý các thông tin được phản ánh.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 và mùa du lịch hè, mùa mưa lũ sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 281/CĐ-TTg; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023.
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong mùa du lịch hè 2023; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời có các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa lũ, khắc phục kịp thời khi xảy ra các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt, cứu hộ, cứu nạn kịp thời./.
- Từ khóa:
- Tai nạn giao thông
- Ùn tắc
- giảm ba tiêu chí