Pháp luật

Tăng cường các hoạt động quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư

Quảng Bình

Công an tỉnh thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư.

Lực lượng Kiểm lâm, Công an tham gia phá dỡ các điểm bẫy, bắt chim trời bằng lưới “tàng hình”. (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư nhằm hạn chế, ngăn chặn tối đa việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật vẫn âm thầm diễn ra ở địa phương

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan nghiêm chỉnh chấp hành và phổ biến các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư đến với người dân. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân ở Quảng Bình không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua, bán cá thể chim để phóng sinh.

Các cơ quan chức năng, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư. Các đơn vị kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư. Các cơ quan chức năng quan tâm, kiểm soát, thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư...

Công tác kiểm tra, ngăn chặn các hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được quan tâm đẩy mạnh nhưng vẫn chưa triệt để. Ở một số địa phương, tình trạng này vẫn còn âm thầm diễn ra. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng ở tỉnh đã tổ chức gần 450 cuộc kiểm tra; tháo gỡ, tiêu hủy và xử lý 8.520 chim mồi giả, gần 18.000 m lưới, hơn 67.000 que nhạ (que có phết keo) cùng nhiều máy phát tín hiệu để bẫy bắt chim trời. Lực lượng chức năng đã thu giữ và thả 127 con chim mồi sống về với môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, việc bắt giữ và xử lý các đối tượng vi phạm về hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn và có nhiều hạn chế do địa bàn hoạt động của các đối tượng này thường nằm ở vùng hoang vắng, khó kiểm tra, kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, mới chỉ có một đối tượng săn bắt chim trời bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 3 triệu đồng.

Quảng Bình là một trong những địa phương được đánh giá có độ đa dạng sinh học cao. Đáng chú ý, chỉ với Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong, độ đa dạng sinh học về loài chim đã cực kỳ phong phú.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là sinh cảnh của 303 loài chim thuộc 166 giống, 55 họ, 15 bộ; trong đó 11 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, 11 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 05 loài có tên trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP, 12 loài có tên trong các phụ lục CITES. Đặc biệt, nơi đây còn có 07 loài chim đặc hữu cho dãy Trường Sơn với bốn loài đặc hữu cho Việt Nam và một loài bị đe dọa nguy cấp ở mức toàn cầu là Công (Pavo muticus). Phong Nha - Kẻ Bàng được tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế công nhận là hai trong số hơn 60 vùng chim quan trọng của Việt Nam.

PV

Xem thêm