Pháp luật

Nâng cao ý thức của học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội

Hà Nam

Những ví dụ cụ thể, sinh động đã giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức, kỹ năng và chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin xấu độc trên không gian mạng.

TTXVN – Theo ông Ngô Quang Tuệ, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và trên không gian mạng cho học sinh là nhiệm vụ của toàn ngành.

Nhiều nhà trường đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường trên môi trường mạng. Nhiều nhà trường đã có cách làm hay như lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt chuyên đề “Học sinh với văn hoá sử dụng mạng xã hội” của Trường Trung học Phổ thông A Phủ Lý; “Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, sử dụng điện thoại an toàn, hiệu quả” của Trường Trung học Phổ thông B Phủ Lý… Bên cạnh đó, Sở đã có hướng dẫn các trường xử lý các tình huống giáo viên và học sinh vi phạm để cán bộ, giáo viên, học sinh trên toàn tỉnh thực hiện tốt nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật.

Tại Trường Trung học Phổ thông Lý Thường Kiệt, huyện Kim Bảng, Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tọa đàm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tin xấu, độc hại trên không gian mạng cho giáo viên và học sinh; trang bị kỹ năng phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, một số quy định của pháp luật liên quan đến an ninh mạng; cách nhận diện các thông tin xấu, độc và các phương thức, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng; kỹ năng sử dụng facebook, zalo an toàn và giải độc thông tin đối với một số vấn đề nóng, vấn đề nhạy cảm...

Những ví dụ cụ thể, sinh động, thiết thực đã giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh nhà trường tương tác sôi nổi, xác định rõ được mục đích sử dụng thông tin, nâng cao nhận thức, kỹ năng và chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Em Phạm Hồng Anh, Lớp 10 C1 Trường Trung học Phổ thông Lý Thường Kiệt chia sẻ: Sau các buổi tọa đàm, chúng em biết cần phải làm gì khi tham gia vào mạng xã hội, phải biết phân biệt được đâu là tin độc, tin xấu. Mỗi khi tiếp nhận thông tin trên Facebook hay Zalo, muốn kiếm chứng thông tin thì hỏi ý kiến của thầy cô trong trường.

Bên cạnh các tiết ngoại khóa, việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội cho học sinh được các nhà trường lồng ghép trong các tiết học Giáo dục công dân, Lịch sử. Không chỉ dạy học sinh kiến thức liên quan đến đạo đức, lối sống, cách ứng xử, qua môn học còn giúp các em học cách nhận diện những thông tin không chính thống, xuyên tạc, thông tin xấu độc, từ đó giúp các em sử dụng mạng xã hội có chọn lọc, hướng đến các trang thông tin bổ ích, phù hợp với lứa tuổi.

Cô Phạm Thị Thanh Lan, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lý Thường Kiệt cho hay: Ban Giám hiệu nhà trường xác định nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác hướng dẫn học sinh trên môi trường mạnh là nhiệm vụ cấp bách và phải liên tục. Trước tiên, đội ngũ thầy cô nhà trường cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật, đúng hay sai, các giáo viên cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống và tìm hiểu kỹ các quy định của Luật An ninh mạng, từ đó sẽ có cách làm, dạy bảo đúng đắn cho học sinh.

Để phòng, chống những tiêu cực từ mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện triển khai kế hoạch Quyết định 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hộ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” và đề án Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng đến năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành.

Sở chỉ đạo các nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, nhắc nhở học sinh, sinh viên về những quy định của nhà trường khi tham gia các trang xã hội, yêu cầu học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc quy định, nội quy. Các nhà trường phối kết hợp với lực lượng Công an tăng cường tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn học sinh các kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hữu ích; nhận biết những luồng thông tin không chính thống, chưa được kiểm duyệt.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, lứa tuổi học sinh thường là đối tượng dễ bị ảnh hưởng trước thông tin tiêu cực, dễ bị hùa theo đám đông. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho các em nâng cao nhận thức, cảnh giác trước thông tin xấu độc, tin giả là rất cần thiết, giúp các em nâng cao ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội, để không bị kẻ xấu lợi dụng./.

Đại Nghĩa

Tin liên quan

Xem thêm