Văn hóa

Tăng cường giao lưu văn hóa, kết nối du lịch Việt – Trung qua sự kiện Trà hài hòa thế giới 2025

Hà Nội

Tại sự kiện "Trà hài hòa thế giới – Nhã tập năm 2025", tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giới thiệu, quảng bá về chương trình du lịch hành trình đỏ - Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 21/5, chương trình giao lưu văn hóa và giới thiệu du lịch với chủ đề "Trà hài hòa thế giới – Nhã tập năm 2025" đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Sở Văn hóa, Phát thanh, Điện ảnh và Du lịch thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) phối hợp tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chương trình là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc và Năm Hữu nghị Nhân dân Việt – Trung 2025, đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Trà (21/5).

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại sự kiện. 
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó nhiều mặt giữa hai quốc gia, đặc biệt là sự tương đồng về văn hóa.

Trà là một trong những biểu tượng chung của nền văn minh phương Đông và cũng là "sứ giả xanh" trong giao lưu hữu nghị Việt – Trung. Cả hai nước đều có truyền thống uống trà, thưởng trà, nhân dân hai nước lấy trà làm cầu nối văn hóa, tinh thần. Sự hội tụ bên chén trà thể hiện triết lý hài hòa, thanh cao và sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên.

Ông Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao việc hai bên phối hợp tổ chức và giới thiệu tuyến du lịch "Hành trình đỏ theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Việt – Trung tại Quảng Tây, Trung Quốc". Hội Hữu nghị Việt – Trung sẽ tiếp tục đồng hành cùng các chương trình giao lưu nhân văn phong phú, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống.

Bà Lâm Lâm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) khẳng định mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa hai nước
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Đại diện phía Trung Quốc, bà Lâm Lâm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) khẳng định mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa hai nước. Việt Nam và Trung Quốc đều có truyền thống thưởng trà lâu đời, với nhiều loại trà đặc sắc. "Nghệ thuật truyền thống làm trà của Trung Quốc và các phong tục liên quan" đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trà ướp hoa nhài Quảng Tây là một trong những loại trà nổi tiếng, chiếm đến 60% sản lượng trà nhài thế giới.

Bà Lâm Lâm cho biết, Việt Nam hiện là thị trường khách nước ngoài lớn thứ hai của Quảng Tây. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Quảng Tây đã đón tiếp 41.800 lượt khách Việt Nam lưu trú, tăng 88,43% so với cùng kỳ năm 2024. Địa phương đã khai thác các di tích và công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây, kết hợp vị trí địa lý, giao thông và yếu tố lịch sử, tạo thành chuỗi liên kết, xây dựng 6 tuyến du lịch hành trình đỏ - Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh để quảng bá tới du khách Việt Nam.

Các đại biểu trải nghiệm trà nhài – đặc sản của Quảng Tây, Trung Quốc tại sự kiện “Trà hài hòa thế giới – Nhã tập năm 2025”. 
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) chia sẻ, sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch hai nước đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Trung Quốc tiếp tục là thị trường quốc tế hàng đầu của Việt Nam, với gần 1,95 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm 2025. Việt Nam cũng là thị trường gửi khách lớn tới Trung Quốc. Những con số này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của người dân hai nước đối với việc khám phá, trải nghiệm văn hóa lẫn nhau.

Bà Nguyễn Phương Hòa tin tưởng, với sự đầu tư tâm huyết, tuyến du lịch Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở thành một biểu tượng mới cho du lịch lịch sử văn hóa và tình hữu nghị Việt – Trung. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để nhân dân hai nước tăng cường giao lưu, kết nối, cùng trải nghiệm vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững du lịch văn hóa – lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc./.

Ngọc Bích

Xem thêm