Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp
Hoạt động khoa học và công nghệ ở Cần Thơ góp phần tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức nhân dân về vai trò của khoa học và công nghệ trong tăng giá trị, hiệu quả lao động sản xuất.
Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, cụ thể hơn là thực hiện nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước cấp cơ sở tại quận, huyện còn khá nhiều vấn đề cần tiếp tục đổi mới để thúc đẩy sự phát triển đa dạng hóa các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, số lượng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp huyện được đặt hàng còn hạn chế; việc chuyển giao khoa học và công nghệ chưa đều trên các lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào nông nghiệp...
Để góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 26/9, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cấp cơ sở tại quận, huyện thành phố Cần Thơ".
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp huyện đồng bộ với các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Liêm, Trường Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) kiến nghị, các địa phương liên kết với các trường đào tạo nghiên cứu chuyển giao đề tài khoa học và công nghệ mà địa phương muốn thực hiện. Ngoài ra, khi chuyển giao vào thực tế cho nông dân, địa phương cần có vốn đối ứng để thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ công nghệ, tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, phát triển mạng lưới liên kết công nghệ...
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo đã giới thiệu nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cập nhật quy định pháp luật mới ban hành, xúc tiến hợp tác ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Từ năm 2010, các quận, huyện được HĐND thành phố Cần Thơ phân bổ trực tiếp về ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp huyện; trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được dành ít nhất 85% cho các dự án ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.
Giai đoạn 2022 - 2024, UBND thành phố Cần Thơ ban hành kế hoạch phê duyệt kinh phí 12,3 tỷ đồng; mỗi quận, huyện từ 100 - 900 triệu đồng/năm. Kinh phí được cấp tùy thuộc vào khối lượng dự án, hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của mỗi quận, huyện.
Từ năm 2022-2024, các quận, huyện đăng ký thực hiện 20 dự án khoa học và công nghệ (gồm 14 dự án mới và 6 dự án chuyển tiếp). Đến nay, đã triển khai được 15 dự án, nghiệm thu 7 dự án. Các dự án được áp dụng ngay vào sản xuất và đời sống ở các quận, huyện. Trong đó có thể kể đến kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ để sản xuất sữa gạo lứt tím than đóng chai; mô hình canh tác và chế biến sản phẩm trái sầu riêng tại huyện Phong Điền; mô hình nuôi lươn không bùn và chế biến thành phẩm, mô hình sản xuất nấm sạch trong nhà tại quận Ô Môn; hỗ trợ phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP ở quận Ninh Kiều...
Hoạt động khoa học và công nghệ ở các quận, huyện đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức nhân dân về vai trò của khoa học và công nghệ trong tăng giá trị, hiệu quả lao động sản xuất./.
- Từ khóa:
- Cần Thơ
- giải pháp
- chuyển giao
- khoa học
- công nghệ