Khoa học

Đề xuất tiêu chí đánh giá hiệu quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Tây Ninh

Tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số”. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Ngày 17/10, trong buổi khảo sát chuyên đề trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh diễn ra tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã thông tin về một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển khoa học công nghệ của địa phương.

Theo đó, việc huy động nguồn lực xã hội nhất là từ doanh nghiệp vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; đầu tư đổi mới công nghệ còn thấp. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương còn sơ khai. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa được thực hiện do hầu hết các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo cơ chế đặt hàng của sở, ngành.

Tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh chưa đáp ứng với yêu cầu. Một số nhiệm vụ khoa học, công nghệ sau khi chuyển giao ứng dụng chưa mang lại hiệu quả, chưa thật sự đi vào cuộc sống người dân...

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên để nâng cao năng lực nghiên cứu. Đồng thời, ban hành các tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý để giảm bớt các thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thực hiện nhiệm vụ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Quyên, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Ngành đã triển khai 22 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt (gồm 18 nhiệm vụ chuyển tiếp và 4 nhiệm vụ mới phê duyệt); bàn giao kết quả nghiên cứu một nhiệm vụ cấp tỉnh là Xây dựng quy trình nuôi cá chình bông có hiệu quả kinh tế cao tại Tây Ninh cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh ứng dụng kết quả nghiên cứu đưa vào thực tiễn.

Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tích cực triển khai các chính sách, thông tin kịp thời các chính sách đến tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều phương thức. Đặc biệt, Sở tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ nhất, năm 2022 - 2023 nhằm tìm kiếm, lựa chọn và ươm tạo các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng của địa phương.

Sở hỗ trợ cho 25 tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các mô hình ứng dụng quản lý tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao với chi phí sản xuất thấp, giá thành cạnh tranh, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế và sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Sau khi lắng nghe báo cáo, cùng những ý kiến chia sẻ, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Bí thư Huyện ủy Gò Dầu) cho biết, Đoàn ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị tại buổi khảo sát. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương, Đoàn sẽ chuyển đến cơ quan liên quan để sớm xem xét, giải quyết. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn sẽ nghiên cứu, tổng hợp để kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương khuyến nghị, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành ngành kinh tế tổng hợp, là một trong những động lực then chốt để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, cần khuyến khích, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng; chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đó là hoạt động thường xuyên, thường trực trong suy nghĩ của cán bộ, công viên chức và cả hệ thống chính trị; nâng cao tư duy đổi mới sáng tạo ra toàn xã hội...

Đại biểu đề nghị ngành Khoa học công nghệ tăng cường tuyên truyền bằng chính hiệu quả từ thực tế; tiếp cận thêm nhiều hướng, nhiều chiều; nâng cao nhận thức, vai trò và sự chung tay của các cơ quan, ban ngành, tổ chức và người dân.

Trước đó, chiều 16/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã có buổi khảo sát chuyên đề tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh Tây Ninh. Buổi khảo sát nhằm nắm bắt tình hình thực hiện chế độ, chính sách, việc quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh. Nổi lên tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội khiến người lao động không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác.Việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động hiện nay là vấn đề nổi lên cần được quan tâm tại Tây Ninh./.

PV

Xem thêm