Khoa học

Tiêu chuẩn hóa trở thành công cụ phát triển kinh tế - xã hội

Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Các turbin điện được xây dựng ngoài bãi biển Cà Mau. (Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

TTXVN - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, chủ đề Ngày Tiêu chuẩn Thế giới: “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững -Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn” được đưa ra từ năm 2021 đến nay như một hành trình kéo dài nhiều năm nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc cung cấp những công cụ hữu hiệu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2023, hướng đến mục tiêu số 3 về chăm sóc sức khỏe an toàn và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng là quyền của con người và thiết yếu đối với sự phát triển bền vững.

Thứ trưởng Lê Xuân Định đánh giá, là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) và là thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC), Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với việc tham gia vào các hoạt động chung theo trách nhiệm của thành viên, Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, Hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam được phát triển theo hướng tăng cường hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), kể từ khi Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đầu tiên được ban hành (năm 1962), đến nay, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam không ngừng được phát triển và ngày càng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam đã có hơn 13 nghìn tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN. Tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trên 60%. Đây là kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt kết quả vượt bậc trong thập kỷ vừa qua.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia được bổ sung về số lượng, nâng cao về mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, bao quát đầy đủ hơn các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đã được tăng cường với việc ban hành trên 800 QCVN, trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.

Việc phát triển các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình tiêu chuẩn hóa cấp nhà nước, ngành và đặc biệt ở cấp cơ sở (doanh nghiệp) đã được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ; giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về công tác tiêu chuẩn và chất lượng, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để hoạt động tiêu chuẩn hóa ngày càng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội; tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống chính sách để triển khai có hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam. (Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN)

Chiến lược đưa ra các mục tiêu cụ thể: Ban hành Danh mục TCVN đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các bộ ngành, địa phương. Đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống TCVN cho 50% số lượng sản phẩm trong Danh mục tiêu chuẩn nêu trên.

Đến năm 2025, xây dựng khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu từ 3 - 5 bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch này. Đến năm 2030, tất cả các bộ, ngành sẽ tổ chức lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch. Tỷ lệ hài hòa hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và đạt 70 - 75% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Chiến lược nêu rõ việc hoàn thành đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 60% thành viên Ban Kỹ thuật xây dựng TCVN vào năm 2025 và đến năm 2030 là 100%; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, chuyên gia làm công tác tiêu chuẩn tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Hoàn thiện các giáo trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 20 trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề vào năm 2025 và đến năm 2030 là 35 trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề.

Trong môi trường quốc tế, Chiến lược đưa ra mục tiêu chủ trì và đồng chủ trì 1 - 2 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và cử 1 - 2 cán bộ, chuyên gia tham gia các Ban Kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn hoặc ban thư ký/đồng thư ký/đồng trưởng nhóm công tác của ISO; đến năm 2030 sẽ chủ trì 2 - 3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và cử 4 - 6 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của ISO./.

PV

Xem thêm