Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đức Ninh (xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới) nhận thức việc giữ gìn vệ sinh là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan đau mắt đỏ.
TTXVN - Tại tỉnh Quảng Bình, bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, trong đó phần lớn là học sinh. Các trường học trên địa bàn tỉnh đang tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, hạn chế lây lan trên diện rộng.
Tại Trường Mầm non Phú Hải (phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới), trước khi vào lớp học, các cháu đều được nhân viên y tế trường hướng dẫn rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng. Hàng ngày, các giáo viên thường xuyên vệ sinh trường, lớp, dùng dung dịch Clo để sát khuẩn đồ chơi, bàn ghế. Trường cũng tích cực tuyên truyền các bước phòng, chống dịch đến phụ huynh học sinh.
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Hải cho biết, do làm tốt công tác tuyên truyền nên hiện nhà trường mới ghi nhận 7/210 học sinh bị đau mắt đỏ, các cháu đều được cho nghỉ học, điều trị tại nhà để tránh lây lan. Với chủ trương phòng là chính, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền qua Zalo để nhắc nhở bậc phụ huynh thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh qua các buổi ngoại khóa; chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của học sinh, giáo viên để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đức Ninh (xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới) nhận thức việc giữ gìn vệ sinh là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan đau mắt đỏ. Nhân viên y tế của trường đã chủ động làm video, kịp thời gửi đến nhóm lớp để tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh. Trong video đã thể hiện rõ nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ, các biểu hiện, triệu chứng, cách phòng tránh...
Theo cô Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, vào 15 phút đầu giờ các buổi học, các lớp dành thời gian mở video tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ. Trong các buổi chào cờ đầu tuần, thầy Tổng phụ trách nhắc nhở học sinh thực hiện những việc nhỏ bé, đơn giản nhất nhưng lại có hiệu quả cao trong công tác phòng, chống bệnh như: vệ sinh trường, lớp sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân, không dùng tay dụi mắt, tra nước muối sinh lý để rửa mắt, không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa, kính... Hiện trường mới ghi nhận 17 học sinh bị đau mắt đỏ trên tổng số trên 700 học sinh. Các em học sinh đau mắt đỏ đều nghỉ học. Nhà trường đã khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để có phương pháp điều trị phù hợp, có phương án bố trí giáo viên dạy bổ sung kiến thức cho các em sau khi đi học trở lại.
Báo cáo của Trung tâm Mắt - Nội tiết tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện toàn tỉnh ghi nhận hơn 10.000 ca đau mắt đỏ. Để chủ động phòng, chống, không dịch bệnh để bùng phát, lan rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ kết hợp với phòng, chống các loại dịch cúm, chân tay miệng, sốt xuất huyết… trong trường học theo khuyến cáo của của ngành Y tế; hướng dẫn cho giáo viên, nhân viên và phụ huynh trường Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học về biện pháp phòng, tránh và biện pháp xử lý khi có học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ. Khi phát hiện học sinh mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, đường lây truyền chính của bệnh đau mắt đỏ là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết như nước mắt, nước bọt; qua đường hô hấp của người bệnh, việc bắt tay, sờ chạm, tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân của người bệnh, bề mặt có virus, vi khuẩn gây bệnh; môi trường sống xung quanh, nước ao hồ, sông suối bẩn; thói quen hay sờ tay lên mắt, mũi, miệng. Triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu là một mắt và sau lan ra mắt còn lại.
Bác sỹ Nguyễn Thị Linh Ngọc khuyến cáo, để chủ động phòng dịch bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; không dùng chung các vật dụng cá nhân như thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính, gối…; không được đưa tay lên sờ mắt, mũi, miệng; vệ sinh môi trường sống xung quanh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và những người nghi bị bệnh đau mắt đỏ, khi nói chuyện, tiếp xúc phải đeo khẩu trang. Khi có các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, không dùng những biện pháp của dân gian như xông lá trầu không hoặc đắp nước muối; cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời./.
- Từ khóa:
- Quảng Bình
- phòng
- chống
- bệnh đau mắt đỏ
- trường học
- học sinh