Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám, chữa bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời.
TTXVN - Trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ tại tỉnh Đắk Lắk đang tăng nhanh và diễn biến hết sức phức tạp, các cấp, ban, ngành đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc và không để dịch bệnh lây lan mất kiểm soát, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ngày 16/9, Đắk Lắk ghi nhận số ca mắc mới là 2.947 ca; trong đó có đến 2.781 ca trong trường học (chiếm 94,3%). Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, đơn vị đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Sở yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống lây lan bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh; cần có sự đồng thuận và phối hợp của phụ huynh trong việc phòng, chống bệnh với thông điệp “Không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường”.
Các nhà trường chủ động triển khai biện pháp để phòng, chống lây lan bệnh đau mắt đỏ như: vệ sinh môi trường tại trường học, lớp học bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng đồ dùng, bàn ghế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt thông thường; không dùng chung các vật dụng cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ… Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám, chữa bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng…
Trường Mầm non Hoa Lan (thành phố Buôn Ma Thuột) có 2 phân hiệu, với khoảng 200 trẻ đang theo học tại 10 lớp. Khoảng 1 tháng trước, nhà trường chỉ ghi nhận một số trẻ bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, sau khi học sinh tựu trường, tình trạng trẻ bị đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng nhanh. Cô Lê Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Công tác vệ sinh luôn được nhà trường quan tâm, đặt lên hàng đầu. Dụng cụ vệ sinh cho trẻ đều có ký hiệu, để riêng; các vật dụng trong lớp học được vệ sinh, sát khuẩn… Nhà trường đã niêm yết thông tin, cách phòng ngừa dịch đau mắt đỏ tại bảng tin và từng lớp học để phụ huynh, giáo viên theo dõi, thực hiện.
Ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị, trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh cho người dân, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Các đơn vị tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong nhà trường; thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để…
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 16/9, Đắk Lắk ghi nhận hơn 10.545 trường hợp mắc đau mắt đỏ; trong đó có đến 9.807 ca tại trường học. Thành phố Buôn Ma Thuột ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất tỉnh, với 8.227 ca./.
- Từ khóa:
- ổ dịch
- đau mắt đỏ
- Đắk Lắk