Tiến sỹ Temjenmeren Ao, nghiên cứu viên Hội đồng về các vấn đề thế giới của Ấn Độ cho rằng, việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra các lĩnh vực mới cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực như đào tạo và duy trì, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng như phát triển quan hệ thương mại và đầu tư.
TTXVN - Sáng 26/5, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội đồng về các vấn đề thế giới của Ấn Độ phối hợp tổ chức Đối thoại lần thứ 3 với chủ đề: “Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ”.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kết nối giữa hai cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu, các cơ quan hoạch định chính chính sách, các nhà khoa học, nhà ngoại giao của hai nước tìm kiếm cơ hội trao đổi và phối hợp trên các lĩnh vực mới.
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Đối thoại thường niên là hoạt động quan trọng trong hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ.
Đối thoại lần này là hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.
Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình 20% hằng năm, tăng gấp đôi trong thời gian qua và đạt hơn 13 tỷ USD vào năm 2021. Hợp tác quốc phòng và an ninh trở thành trụ cột quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước với các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể, phong phú. Các lĩnh vực hợp tác truyền thống như giáo dục - đào tạo, nông nghiệp… đã có những phát triển thực chất. Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân được mở rộng. Những dấu ấn của văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam tiếp tục nở rộ: Yoga giờ đây đã trở thành một hình thức sinh hoạt rất phổ biến. Phim ảnh, món ăn Ấn Độ ngày càng thu hút đông đảo người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của hai nước. Mặt khác, thế giới và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc, phức tạp về địa chính trị, địa kinh tế, nhất là trong bối cảnh các nước đều khó khăn khắc phục những hậu quả của đại dịch COVID-19.
Ông Rranay Verma, Đại sứ đặc quyền toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ, hai nước đều cam kết vượt qua những thách thức chung như biến đổi khí hậu và nghèo đói để phát triển bền vững và trên hết là tăng trưởng bao trùm. Hai bên có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước trên trường khu vực và quốc tế.
Tiến sỹ Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cho rằng, hai bên cần tiếp tục tăng cường đối thoại, trao đổi, thúc đẩy hợp tác thương mại, giao lưu nhân dân, hợp tác sông Hằng - sông Mekong;…
Bàn về quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Ấn Độ - Việt Nam, Tiến sỹ Temjenmeren Ao, nghiên cứu viên Hội đồng về các vấn đề thế giới của Ấn Độ cho rằng, việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra các lĩnh vực mới cho hợp tác song phương trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, ô tô, năng lượng tái tạo..., đồng thời mở ra những khung hợp tác mới trong các lĩnh vực công nghệ mã hóa, đào tạo và duy trì, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng như phát triển quan hệ thương mại và đầu tư.
Chương trình đối thoại có 4 phiên chính. Phiên 1: Các vấn đề khu vực và quốc tế: quan điểm của Việt Nam và Ấn Độ; Phiên 2: Việt Nam và Ấn Độ- đối tác vì hòa bình; Phiên 3: Việt Nam và Ấn Độ - đối tác vì sự thịnh vượng; Phiên 4: Việt Nam và Ấn Độ: Liên kết văn hóa và ngoại giao nhân dân.
Các đại biểu của hai nước đã thảo luận các vấn đề về tăng cường kim ngạch thương mại, trao đổi văn hóa, phối hợp hoạt động trong các tổ chức và diễn đàn khu vực.../.