Môi trường

Tăng trách nhiệm của đơn vị thu gom, tái chế sản phẩm bao bì, bảo vệ môi trường

Quy định về việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện việc tái chế sản phẩm đã qua sử dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế là rất quan trọng nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải về sản phẩm bao bì nhựa.

Nguồn nguyên liệu đầu vào của Công ty Cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư hiện chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định mới về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị sản xuất. Ninh Bình hiện có 2 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là đơn vị đủ năng lực thực hiện tái chế sản phẩm bao bì. Đây là những quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý chất thải. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quy định đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là khâu thu gom sản phẩm bao bì buộc phải tái chế.

* Khó khăn phân loại nguồn nguyên liệu trong nước

Công ty Cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư (tại Cụm Công nghiệp Văn phong, huyện Nho Quan) là đơn vị đầu tiên của Ninh Bình được công nhận đủ năng lực thực hiện tái chế sản phẩm bao bì do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Đây là một công ty trẻ trong lĩnh vực sản xuất giấy, tái chế sản phẩm bao bì nhưng có công suất lớn, khoảng 150.000 tấn sản phẩm/năm, tương ứng với nguồn nguyên liệu đầu vào 170.000 tấn/năm (bao bì đã qua sử dụng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật... và nguyên liệu trong nước). Thời điểm mới hoạt động giữa năm 2023, nguồn nguyên liệu nhập khẩu lên tới 80%, trong nước khoảng 20%. Đến đầu năm 2024, công ty đã nâng nguồn nguyên liệu trong nước lên 40%, cao điểm lên 45%/tháng để phù hợp với quy định chung.

Công ty Cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tái chế và sản xuất sản phẩm bao bì với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm.
 Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ông Giang Văn Ánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư cho biết, công ty sử dụng nguồn nguyên liệu là bao bì cũ, đã qua sử dụng để sản xuất giấy và bao bì. Đơn vị tự tin về khả năng tái chế, sản phẩm cung ứng ra thị trường đa phần có chất lượng cao, đồng nghĩa với việc yêu cầu khắt khe về nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, công ty hiện đang phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nước để đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm.

Đối với bao bì đã qua sử dụng trong nước, việc thu mua gặp nhiều khó khăn do các đơn vị thu gom không phân loại hoặc phân loại qua loa. Do đó, nguồn nguyên liệu này không đáp ứng được việc sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Để phù hợp quy định đối với tỷ lệ nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước, công ty luôn chú trọng đến việc nâng cao tỷ lệ sử dụng "rác" thu gom trong nước bằng cách cải tiến công nghệ để cho ra sản phẩm phù hợp, hướng tới sử dụng nguyên vật liệu trong nước trên 50%.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tại Khoản 1, Điều 54 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm. Ông Giang Văn Ánh cho rằng, quy định này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường. Là đơn vị đầu tiên của Ninh Bình trong danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, Công ty Cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư mong muốn được xử lý trước tiên là sản phẩm phế thải bao bì trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ ưu tiên ký hợp đồng với các cơ sở phân loại tốt "rác" để thuận tiên trong quá trình tái chế.

* Vừa sản xuất vừa thực hiện tái chế

Xưởng sản xuất được đầu tư quy mô, bài bản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất bao bì Trường Thịnh. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố (đợt 2) trong danh sách các đơn vị đủ điều kiện tái chế, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất bao bì Trường Thịnh (xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) tự tin hơn trong sản xuất, kinh doanh. Đây là cơ sở có bề dầy sản xuất, tái chế sản phẩm bao bì, nên có nhiều kinh nghiệm thu gom, xử lý. Trước đây, đơn vị chỉ tập trung vào việc thu gom nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, nay đã nêu cao vai trò trách nhiệm trong tái chế sản phẩm, bao bì.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất bao bì Trường Thịnh chia sẻ, công ty đánh giá cao về những quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế của nhà máy đạt 50 tấn sản phẩm/năm nhưng thực tế chỉ sản xuất được tối đa 15 tấn sản phẩm/năm. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu đầu vào không đảm bảo công suất theo thiết kế. Hiện nguồn nguyên liệu trong nước chỉ chiếm tối đa 10% tổng khối lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong tương lai để đáp ứng được công suất sản xuất thực tế của nhà máy và chung tay vào Luật Bảo vệ môi trường, công ty mong muốn được các cơ quan hữu quan tạo điều kiện, hoặc làm đầu mối để tiếp cận với cơ sở không đủ năng lực tái chế, ký kết hợp đồng xử lý sản phẩm bao bì đã qua sử dụng của họ.

Một trong số các sản phẩm chủ lực của Công ty Cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư chuẩn bị được xuất kho. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên, việc áp dụng những quy định mới trong việc tái chế sản phẩm bao bì tại địa phương đến nay vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Về mặt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã phát huy tối đa trách nhiệm, tích cực tuyên truyền để các cơ sở sản xuất bao bì có sản phẩm buộc phải tái chế hiểu và tuân thủ.

Ông Nguyễn Xuân Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường và Biển đảo, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho rằng, quy định về việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện việc tái chế sản phẩm đã qua sử dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế là rất quan trọng. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải về sản phẩm bao bì nhựa. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, nhập khẩu sản phẩm bao bì, tổ chức, cá nhân có tái chế sản phẩm thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định của Chính phủ quy định về thời hạn, tỷ lệ thực hiện tái chế sản phẩm. Chi cục sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị sản xuất, nhập khẩu sản phẩm bao bì trong việc thực hiện nghiêm quy định về tái chế sản phẩm bao bì đã qua sử dụng./.

Ninh Đức Phương

Tin liên quan

Xem thêm