Các cấp, các ngành đã thực hiện quán triệt thông tin, truyền thông về vai trò, sự cần thiết của pháp luật đối với xã hội; khảo sát, đánh giá thực trạng hiểu biết, kỹ năng, nhu cầu tìm hiểu pháp luật...
Chiều 16/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình triển khai và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc đồng chủ trì hội thảo.
Báo cáo dẫn đề hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa nêu rõ: Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977). Việc ban hành Đề án nhằm nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành, tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo cơ chế thuận lợi, hiệu quả để người dân tiếp cận pháp luật.
Qua 2 năm thực hiện Đề án 977, các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và các địa phương đã đạt được kết quả nhất định.
Về triển khai một số hoạt động cụ thể, bà Ngô Quỳnh Hoa cho biết, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổng hợp, rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế trong các lĩnh vực quản lý của Bộ nhằm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động tìm hiểu, sử dụng pháp luật, bao gồm lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, luật sư, công chứng, tư vấn pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính... Qua rà soát, Cục đã có báo cáo đánh giá và đề xuất các quy định pháp luật cần hoàn thiện để đảm bảo tốt hơn quyền tiếp cận pháp luật của người dân theo hướng Nhà nước thiết lập các điều kiện cần thiết cho người dân chủ động trong tiếp cận thông tin pháp luật.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã thực hiện quán triệt thông tin, truyền thông về vai trò, sự cần thiết của pháp luật đối với xã hội; khảo sát, đánh giá thực trạng hiểu biết, kỹ năng, nhu cầu tìm hiểu pháp luật; cung cấp, hướng dẫn các kiến thức pháp luật cho người dân bằng hình thức phù hợp, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Để triển khai nhiệm vụ nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các cấp, các ngành đã kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng. Tính đến ngày 31/10/2024, 59/63 Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiếp nhận 3.014 lượt thông tin từ Tòa án nhân dân, trong đó có 2.550 vụ việc trợ giúp pháp lý… Ngoài ra, Đề án đã thực hiện nhiều giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.
Về tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa chỉ rõ: Đề án chưa nhận được sự quan tâm đồng đều giữa các cấp, các ngành. Việc triển khai thực hiện chưa thực sự xuất phát từ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án mà chủ yếu vẫn lồng ghép trong các nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, các chương trình, Đề án khác. Từ đó, dẫn đến hiệu quả triển khai Đề án chưa cao. Đáng chú ý, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong 2 năm thực hiện Đề án chưa đảm bảo theo thời gian, tiến độ, sản phẩm công việc đã được quy định. Việc triển khai các nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được thực hiện đồng đều và sâu rộng giữa các địa phương. Đa số các bộ, ngành, địa phương chưa bố trí nguồn lực cho thực hiện Đề án…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những mô hình, cách làm hay; phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án…
Đại diện Sở Tư pháp Hòa Bình cho rằng, hiện nay, các địa phương đang thực hiện sáp nhập một số sở, ngành; do đó đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn việc triển khai Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” nói riêng và các đề án khác để đảm bảo thống nhất trong triển khai thực hiện./.
- Từ khóa:
- Tiếp cận pháp luật
- Đề án 977
- Bộ Tư pháp