Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, các đơn vị, địa phương cần nhận thức đúng đắn vai trò ý nghĩa của Bộ chỉ số DDCI, coi đây là thước đo, công cụ để đánh giá năng lực chỉ đạo điều hành của người đứng đầu đơn vị, địa phương.
Ngày 16/12, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố kết quả khảo sát, đo lường Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (DCCI) năm 2024. Theo đó, về điểm số và xếp hạng DCCI cấp sở, ban, ngành, dẫn đầu là Sở Xây dựng, tiếp theo là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Công an tỉnh. Về các địa phương, dẫn đầu là thành phố Thái Bình, tiếp theo là huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng cho biết, quá trình khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số được thực hiện khách quan, độc lập dưới sự giám sát chặt chẽ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Kết quả khảo sát, lấy ý kiến được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch. Điểm số trung bình của cấp sở, ban, ngành đạt 79,03 điểm, điểm số trung bình của cấp địa phương đạt 78,57 điểm, cao hơn so với năm 2023. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã có cảm nhận tốt hơn về điều hành kinh tế và quản trị công của các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện, thành phố.
Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, các đơn vị, địa phương cần nhận thức đúng đắn vai trò ý nghĩa của Bộ chỉ số DDCI, coi đây là thước đo, công cụ để đánh giá năng lực chỉ đạo điều hành của người đứng đầu đơn vị, địa phương. Ngay sau hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số DDCI năm 2024 của từng sở, ngành, địa phương nhằm cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với những đơn vị có thứ hạng thấp phải chú trọng rà soát, sửa đổi ngay những rào cản, điểm nghẽn; nghiên cứu, sửa đổi, có giải pháp để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong quá trình xử lý công việc.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, trao đổi trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc; nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ, chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ quản lý sang phục vụ, lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tính chất, vai trò của Bộ chỉ số DDCI đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; gắn cải thiện bộ chỉ số với cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cùng triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.
Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, thực hiện đo lường Bộ chỉ số DCCI, đơn vị tư vấn đã thu và sàng lọc hơn 12.100 mẫu từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Sau khi làm sạch dữ liệu, đơn vị tư vấn đã lựa chọn ngẫu nhiên gần 4.100 mẫu để đưa vào khảo sát đánh giá. Kết quả, tổng số phiếu đạt 2.368, trong đó khối sở, ban, ngành 1.518 phiếu, khối huyện, thành phố 850 phiếu, vượt so với yêu cầu của kế hoạch. Tỷ lệ phiếu khảo sát trực tuyến đạt gần 85%, phiếu khảo sát bằng hình thức trực tiếp đạt hơn 15%.
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, kết quả xếp hạng DDCI của tỉnh Thái Bình năm 2024 phản ánh sát thực trạng công tác điều hành kinh tế của cơ quan, đơn vị, địa phương, dựa trên sự cảm nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh có giao dịch thủ tục hành chính trong năm.
Năm 2024 là năm thứ 4 tỉnh Thái Bình triển khai khảo sát, đo lường Bộ chỉ số DCCI với nhiều điểm mới do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chủ trì thực hiện. Những năm trước, tất cả 25 sở, ban, ngành của tỉnh đều thuộc đối tượng được khảo sát thì năm 2024 chỉ khảo sát, đánh giá 15 sở, ban, ngành và 6 đơn vị khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Các chỉ số thành phần, đối tượng tham gia khảo sát Bộ chỉ số cũng có sự đổi mới. Ngoài các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Thái Bình bổ sung thêm một số tổ chức và đội ngũ điều tra viên của Cục Thống kê tỉnh Thái Bình nhằm đảm bảo tính chính xác, khoa học của phiếu điều tra./.