Pháp luật

Nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Bắc Giang

Bắc Giang đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Thành viên Tổ hòa giải cơ sở thôn Phúc Ninh, xã Ninh Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

TTXVN – Năm 2022, Bắc Giang có 201/209 đơn vị cấp xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96%). Công tác này được tỉnh triển khai thường xuyên, hiệu quả.

*Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Bắc Giang đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như: đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng. Tỉnh chú trọng phổ biến những văn bản pháp luật liên quan đến các vấn đề sát thực, các vấn đề bức thiết nhân dân quan tâm, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nhóm Zalo được tạo để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân. Những người hiểu biết pháp luật sâu rộng, làm trong ngành liên quan đến pháp luật về hưu được giới thiệu vào Tổ hòa giải hoặc tham gia các vụ việc hòa giải ở cơ sở.

Xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có 7 Tổ hòa giải với 62 thành viên. Đây là những thành viên tích cực, tiêu biểu, đang tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể của thôn, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân và tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư. Các tổ hòa giải đã kịp thời phát hiện, hỗ trợ tư vấn và giải quyết tốt nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Năm 2023, xã có 15 vụ việc phải tổ chức hội nghị hòa giải và đã hòa giải thành 14 vụ việc, đạt 93,3%.

Ông Nguyễn Quang Kiểm, Tổ hòa giải thôn Phúc Ninh, xã Ninh Sơn, chia sẻ: mỗi tháng, Tổ sinh hoạt một lần để đánh giá kết quả những vụ việc đang hòa giải, đồng thời cùng bàn cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Năm 2023, thôn xảy ra 3 vụ việc tranh chấp đất đai. Thành viên Tổ hòa giải luôn phối hợp chặt chẽ với UBND xã và cán bộ địa chính để nắm bắt đầy đủ tài liệu liên quan, từ đó có những cách thức hòa giải phù hợp, đảm bảo đúng quy định, phát huy tình làng, nghĩa xóm.

Chị Nguyễn Thị Luyện, cán bộ Tư pháp xã Ninh Sơn cho biết, cùng với việc phát huy vai trò của các Tổ hòa giải trong cộng đồng dân cư, xã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật trên internet và mạng xã hội Facebook, Zalo; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, đầy đủ, thời gian giải quyết rút gọn. Công tác tiếp công dân, giải quyết các kiến nghị được chú trọng gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 2023, xã có trên 1.000 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, chế độ, chính sách, đất đai... 100% số hồ sơ được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn. Nhờ bảo đảm các tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật và các tiêu chí khác năm 2023, xã Ninh Sơn đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, trên cơ sở các mô hình đảm bảo an ninh trật tự từ trước, đầu năm 2022, xã xây dựng mô hình “Hội Cựu chiến binh đảm bảo an ninh trật tự” tại thôn Khả Lý Thượng với 10 thành viên. Các thành viên thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan đến pháp luật qua nhóm Zalo, đồng thời tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tuân thủ pháp luật; phân công các thành viên thay nhau tuần tra theo khu vực, địa bàn. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật, các thành viên sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể trong thôn tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích, không để xảy ra mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Tạ Văn Sợi, Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự xã Quảng Minh, cho biết: Thôn có hơn 1.000 hộ dân với 400 nhân khẩu. Hoạt động của Tổ đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong đảm bảo an ninh trật tự. Hai năm qua, địa bàn thôn không xảy ra tình trạng mất trộm, không còn các tụ điểm cờ bạc, người dân ngày càng có ý thức sống tuân thủ pháp luật.

Đến nay, xã có nhiều mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự hoạt động có hiệu quả, trong đó có 5 mô hình xung kích bảo đảm về an ninh trật tự; 4 mô hình ngõ liên gia tự quản về an ninh trật tự; một nhóm Zalo giữa Trưởng Công an xã với cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự; một mô hình Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy; một mô hình camera giám sát an ninh trật tự được Ban Chỉ đạo huyện Việt Yên phổ biến nhân rộng. Năm 2023, xã Quảng Minh là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về an ninh trật tự.

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã tận tình hướng dẫn người dân các thủ tục hành chính. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

* Nâng cao chuẩn tiếp cận pháp luật

Năm 2023, Sở Tư pháp Bắc Giang phối hợp với các đơn vị thành lập đoàn kiểm tra 10 huyện, thành phố về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về chuẩn tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức và những người tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở thôn, tổ dân phố; tổ chức hội thảo đánh giá về nhân rộng các mô hình điểm trong xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thực tế, việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực đến các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Tại một số địa phương, điểm của nhiều tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa cao. Công tác xây dựng, tự đánh giá, chấm điểm của một số đơn vị cấp xã còn mang tính hình thức. Hiệu quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa cao; chưa có nhiều mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải cơ sở. Nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động này còn eo hẹp.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của công tác này; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức tham mưu thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, Sở tiếp tục nghiên cứu có những tài liệu hướng dẫn sát hơn, tạo thuận lợi cho cán bộ cơ sở trong triển khai thực hiện. Sở chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện hoạt động có hiệu quả, thực chất hơn, nhất là trong khâu đánh giá cấp xã.

Sở sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về tiếp cận pháp luật để giải đáp, hướng dẫn hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp, hướng dẫn./.

Đồng Thúy

Tin liên quan

Xem thêm