Pháp luật

Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Bài 1: Hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính

Nghệ An

Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi khoa học, khả thi, phù hợp với thực tiễn, gồm 5 tiêu chí với 20 chỉ tiêu.

Ảnh/TTXVN

(TTXVN) Từ năm 2022, việc đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09 của Bộ Tư pháp (thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg); Quyết định 1723 của Bộ Tư pháp về huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. 

Theo đó, tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi khoa học, khả thi, phù hợp với thực tiễn, gồm 5 tiêu chí với 20 chỉ tiêu, là công cụ đo lường mức độ hoàn thành trách nhiệm được giao của chính quyền cấp xã trong tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện dân chủ xã hội ở cấp cơ sở.

Phóng viên TTXVN có chùm 2 bài viết về việc khắc phục những khó khăn để hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Nghệ An.

Bài 1: Hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã

Với mục tiêu nâng cao chất lượng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, những năm qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực. 

Qua đó, đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật, xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã.

Phường Quang Trung, thành phố Vinh (Nghệ An) được xem là điểm sáng trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ và người dân. 

Ngay sau khi Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được ban hành, Phường đã rà soát để củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và công nhận 27 tuyên truyền viên pháp luật (chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức và một số người ở khối phố); tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật phường sau kiện toàn.

Vào ngày sinh hoạt pháp luật hàng tháng kết hợp giao ban Dân, Quân, Chính, Đảng, tuyên truyền viên sẽ phổ biến giáo dục pháp luật nội dung liên quan đến chuyên môn của mình kết hợp trình chiếu bằng Slide hình ảnh. Từ đó, các quy định về Luật Tiếp công dân, Luật Quản lý thuế, Luật Cư trú, Luật Hòa giải ở cở sở… đã được tuyên truyền trực tiếp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách bài bản, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp dân, hội nghị giao ban, các tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được UBND phường Quang Trung triển khai, tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như: trực tiếp, trực tuyến, phát tờ rơi pháp luật (2.000 tờ), qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, tài liệu liên quan.

Chị Nguyễn Thị Mai, Công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Quang Trung (thành phố Vinh) cho biết, phường là địa phương duy nhất trong 25 phường, xã tại thành phố Vinh có đội ngũ tuyên truyền viên thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các thông tin về pháp luật đến cán bộ và nhân dân đạt hiệu quả. 

Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật sát với thực tế địa phương; giúp đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật rèn luyện kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 

Trong năm 2022, các thủ tục hành chính liên quan đến tư pháp, hộ tịch, hôn nhân, đất đai, xác nhận chữ ký… đều được cán bộ phường thực hiện theo đúng trình tự, thời gian, hiệu quả. 

Các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của người dân đều được quan tâm giải quyết kịp thời; hòa giải thành công 9/9 vụ việc, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Theo chị Nguyễn Thị Mai, năm 2018, phường Quang Trung đã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện phường đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên trang thông tin điện tử riêng; đồng thời, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua mạng xã hội như facebook, zalo… tạo điều kiện cho cán bộ, công chức và người dân tìm hiểu, cập nhật các quy định pháp luật nhanh chóng, hiệu quả.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng xã tiếp cận pháp luật, từ cuối năm 2021, xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên) đã có quyết định thành lập Câu lạc bộ “Phong trào phụ nữ với công tác hòa giải viên cơ sở” tại xóm Phúc Hòa với gần 20 thành viên không phân biệt độ tuổi. 

Mỗi tháng một lần, nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ chủ yếu là chia sẻ các kỹ năng về công tác hòa giải cơ sở, tuyên truyền phổ biến pháp luật, thảo luận giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Chị Trần Thị Hường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phong trào phụ nữ với công tác hòa giải viên cơ sở” chia sẻ, từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ đã hòa giải hơn 10 vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình, đất đai, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông... 

Bên cạnh việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn trong đời sống, tại các buổi sinh hoạt, Câu lạc bộ đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Phòng chống ma túy, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Trẻ em…  nhằm nâng cao ý thức chấp hành phấp luật của các thành viên và người dân.

Anh Nguyễn Văn Toàn, Công chức Tư pháp hộ tịch xã Hưng Tây cho biết, xác định việc triển khai thực hiện xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức đa dạng từ tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến đến kết hợp lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị tại xã, khối xóm. 

Nhờ đó, năm 2021, xã Hưng Tây được công nhận là xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quyết định của UBND huyện. 

Hiện Hưng Tây đã có 10 tổ hòa giải với 75 hòa giải viên. Xã đã thành lập hai Câu lạc bộ “Phong trào phụ nữ với công tác hòa giải viên cơ sở” hoạt động hiệu quả, tiến tới nhân rộng toàn địa bàn. 

Bên cạnh đó, UBND xã Hưng Tây đã kiện toàn lại Ban phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật gồm các thành viên là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND, cán bộ, công chức và trưởng các ban, ngành có liên quan. 

Các thành viên của Ban cơ bản đều có bằng cử nhân Luật học, trình độ chính trị từ sơ cấp đến trung cấp.

Theo anh Nguyễn Văn Toàn, tại xã Hưng Tây, tất cả các chỉ tiêu đều được rà soát thực hiện nghiêm từ việc công khai văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo quy phạm pháp luật đến quán triệt, phổ biến chính sách pháp luật có liên quan. 

Việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của người dân được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết hiệu quả. Đồng thời, toàn hệ thống chính trị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên mạng xã hội và qua các trang fanpage của tổ chức. 

Năm 2022, đã có hơn 5.200 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, xác nhận chữ ký, chính sách, đất đai… được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn.

Theo thống kê, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 357/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 77,61%. Trong đó, các đơn vị cấp huyện có tỷ lệ đạt chuẩn cao gồm: thành phố Vinh, huyện Đô Lương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò. 

Một số địa phương có tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thấp, chủ yếu nằm ở khu vực miền núi như: huyện Nghĩa Đàn, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, huyện Kỳ Sơn. 

Các đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chủ yếu do vi phạm điều kiện trong 5 tiêu chí như: Có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên; kinh phí bố trí để thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật còn hạn chế; cơ sở vật chất tại một số đơn vị cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu; điểm số chấm đối với các chỉ tiêu chưa đạt số điểm theo quy định.

Ông Lê Bá Thiệu, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư Pháp Nghệ An) khẳng định, sau hơn 5 năm triển khai, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực và đi vào ổn định; đáp ứng được một số nguyên tắc cơ bản như lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng thụ hưởng các chính sách. 

Trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, chính quyền địa phương cấp xã ngày càng chuyên nghiệp, ý thức được vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng được nhu cầu của công việc... (Còn nữa)

Tá Chuyên

Xem thêm