Pháp luật

Trợ giúp pháp lý góp phần đấu tranh phòng, chống mua bán người

Một trong những nội dung trọng tâm trong công tác trợ giúp pháp lý là truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và nạn nhân bị mua bán nói riêng.

TTXVN- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên thuộc Sở Tư pháp tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý. Với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp. Và một trong những nội dung trọng tâm trong công tác này là truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và nạn nhân bị mua bán nói riêng.

Theo Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên Hoàng Văn Trường, với phương châm đặt chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu, những năm qua, Trung tâm đã tham mưu với Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác phối hợp; đồng thời phân công trợ giúp viên bám nắm địa bàn, chủ động phối hợp để đem lại hiệu quả tốt nhất trong công tác trợ giúp pháp lý.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 73 cuộc truyền thông tại các địa phương trong tỉnh với nội dung tuyên truyền về Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống mua bán người. Trung tâm đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu về Luật trợ giúp pháp lý và các dịch vụ, đối tượng trợ giúp pháp lý, với trên 7.300 lượt người tham gia. Từ đầu năm 2023 đến nay, trong tổng số 1.040 vụ việc phải giải quyết, Trung tâm đã thực hiện hoàn thành 831 vụ việc.

iễu hành trong Chương trình ra quân truyền thông phòng, chống mua bán người năm 2023. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ông Hoàng Văn Trường chia sẻ, để có cái nhìn khách quan nhằm phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế trong hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm duy trì việc xây dựng báo cáo trình Sở Tư pháp đánh giá, đồng thời thực hiện tự đánh giá thông qua quá trình triển khai nhiệm vụ, tiếp nhận phiếu đánh giá chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý từ đối tượng, hoặc thân nhân đối tượng được trợ giúp. Qua đó, chất lượng các vụ việc do Trung tâm thực hiện trợ giúp được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đạt tốt trở lên; đối tượng hoặc thân nhân đối tượng được trợ giúp hài lòng về chất lượng dịch vụ do Trung tâm cung cấp.

Trợ giúp viên pháp lý Phạm Đức Lăng cho biết, năng lực, trình độ của trợ giúp viên là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý. Do đó, mỗi trợ giúp viên phải không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp.

Lấy dẫn chứng cụ thể về sự hiệu quả trong việc trợ giúp pháp lý, ông Phạm Văn Lăng cho biết, ngày 17/3/2022, tại huyện Tiên Lữ đã xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng của hai nhóm học sinh các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn. Quá trình giải quyết vụ án, trợ giúp viên tham gia cùng cơ quan Cảnh sát điều tra tại các buổi hỏi cung, lấy lời khai của các bị can để củng cố chứng cứ, đồng thời về làm việc với gia đình các bị can, thu thập các tình tiết làm cơ sở để đề nghị giảm nhẹ hình phạt, trách nhiệm hình sự cho các bị can.

Tại phiên tòa ngày 21/7/2023 do Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ tổ chức, quá trình tranh luận, bào chữa của trợ giúp viên bảo đảm căn cứ pháp lý, quy định của pháp luật và những tình tiết giảm nhẹ thuyết phục. Do đó, đề xuất của người bào chữa (trợ giúp viên) được Hội đồng xét xử chấp thuận và cho các bị cáo được hưởng án treo.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đình Chung cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật và tuyên truyền về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trọng tâm là giải quyết hiệu quả các vụ việc trợ giúp, vụ việc tham gia tố tụng. Đặc biệt trong đó sẽ đẩy mạnh công tác Trợ giúp pháp lý góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người.

Sở khuyến khích, tạo điều kiện cho trợ giúp viên học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, thường xuyên duy trì việc đề xuất đánh giá và tự đánh giá; nâng cao năng lực chuyên môn khi tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn... nhằm phát huy cao nhất hiệu quả chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý../.

PV

Xem thêm