Đa số các nạn nhân sau khi trở về cộng đồng chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ như học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, nguyên nhân là do các nạn nhân vẫn bị ảnh hưởng sang chấn tâm lý, mặc cảm với mọi người xung quanh.
TTXVN- Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhằm khắc phục những khó khăn trong hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán, năm 2024, Bộ thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán tại 3 tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đồng thời, Bộ thực hiện thử nghiệm bộ công cụ sàng lọc, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại thành phố Hà Nội, sau đó hoàn thiện và tiếp tục thực hiện mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đa số các nạn nhân sau khi trở về cộng đồng chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ như học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, nguyên nhân là do các nạn nhân vẫn bị ảnh hưởng sang chấn tâm lý, mặc cảm với mọi người xung quanh. Công tác thống kê, báo cáo, phân tách số liệu về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân chưa được đầy đủ; đôi khi vẫn có sự trùng lắp hoặc bỏ sót do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng ở cấp tỉnh, huyện, xã.
Nguyên nhân của những khó khăn này được xác định, giai đoạn năm 2021 - 2025, kinh phí thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng không nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia mà được bố trí từ kinh phí đảm bảo xã hội của các Bộ, ngành, tỉnh thành phố. Mức bố trí còn thấp, chưa đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu mà chương trình giao. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa nắm rõ cơ chế phân bổ ngân sách, chờ kinh phí Trung ương cấp mà chưa chủ động bố trí kinh phí cấp tỉnh, nhất là những tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách nhà nước; hoặc có bố trí, mức rất thấp. Chính vì vậy, công tác hỗ trợ nạn nhân ở cả Trung ương và địa phương đều gặp khó khăn.
Ngoài ra, do chưa ban hành được khung kỹ thuật mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán áp dụng chung cho các tỉnh, thành phố dẫn đến việc địa phương thiếu căn cứ áp dụng và triển khai thực hiện.
Ở hầu hết các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân còn mỏng về lực lượng, thường xuyên thay đổi, thiếu về kinh nghiệm và chủ yếu làm kiêm nhiệm nên việc nắm bắt, cập nhật số liệu, thông tin về nạn nhân bị mua bán trở về gặp khó khăn. Việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân còn chưa kịp thời, đôi khi không phù hợp với điều kiện, khả năng, nhu cầu của nạn nhân.
Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2024, Bộ này sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ nạn nhân và đánh giá tính tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia làm cơ sở đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống mua bán người và các văn bản có liên quan. Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan trong việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống mua bán người và các văn bản dưới luật. Trong đó, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân sửa đổi phù hợp với thực tế: đối tượng, chính sách, dịch vụ hỗ trợ đảm bảo tính khả thi, đồng bộ hệ thống pháp luật và phù hợp với pháp luật quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2023, trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, cả nước đã tiếp nhận, xác minh 139 trường hợp; xác định 95 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 79 nạn nhân, bao gồm cả những nạn nhân trở về từ những năm trước. Trong số 79 nạn nhân quốc tịch Việt Nam (dân tộc Kinh, H'Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, Tày...) có 67 nữ, 12 nam giới.
Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, các lực lượng chức năng đã thực hiện bảo vệ an toàn cho 68 nạn nhân, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho 71 nạn nhân, hỗ trợ chi phí đi lại cho 69 nạn nhân, hỗ trợ y tế cho 65 nạn nhân, hỗ trợ tâm lý 71 nạn nhân, trợ giúp pháp lý 30 nạn nhân, trợ cấp khó khăn ban đầu cho 7 nạn nhân theo quy định của pháp luật./.
- Từ khóa:
- mua bán người
- tệ nạn xã hội