Khoa học

Tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế số

Đà Nẵng

Hiểu rõ được các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển nền kinh tế số đang là yêu cầu cấp thiết của các cơ quan hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.

Chuyên gia phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 4/3, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, trao đổi một cách toàn diện về phát triển kinh tế số và xã hội số; đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; đồng thời, tạo ra cơ hội và thách thức mới cho phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tại đây, các chuyên gia, đại biểu đã thảo luận tập trung vào các chủ đề như: Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số: Cơ hội và thách thức; Chuyển đổi số - Lộ trình, năng lực, rào cản và thách thức; Kinh nghiệm thế giới và bài học chuyển đổi số cho Việt Nam; Xu hướng phát triển kinh tế số đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho hay, Hội thảo là hoạt động khoa học thiết thực và có ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, nhằm triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 của Chính phủ.

Theo Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, với tốc độ phát triển khoảng 20%/năm. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong nhóm những quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế số mạnh của thế giới.

Tuy nhiên, song hành với nhiều cơ hội lớn và rõ nét, kinh tế số Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Các vướng mắc từ nội tại nền kinh tế trong nước như: cơ cấu kinh tế, nguồn lực công nghệ và tập quán kinh doanh, cũng như các biến động bất thường từ thế giới đang tạo ra những rủi ro và tác động khó lường đến sự phát triển của khu vực này. Hiểu rõ được các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển nền kinh tế số đang là yêu cầu cấp thiết của các cơ quan hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.

PGS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và trong nước, sự phát triển số đang diễn ra mạnh mẽ và tạo ra những cơ hội cũng như thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông, sự chuyển dịch nhanh chóng của nền kinh tế thế giới từ truyền thống sang số hóa. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải thích nghi, để không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm tạo lập một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế số. Trong đó, Chính phủ triển khai nhiều chính sách, chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số như: Chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin…”

Trình bày tham luận “Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số: Cơ hội và thách thức”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đăng Khoa, Giám đốc Chương trình quản trị, Khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay, Việt Nam có tốc độ trung bình mạng di động là 46,66 Mbps (đứng thứ 3 Đông Nam Á và 43 trên thế giới), tốc độ trung bình mạng cố định 84,18 Mbps (đứng thứ 5 Đông Nam Á và 45 trên thế giới); 79,1% người dân dùng internet; 89,8% người dân dùng mạng xã hội. Cơ sở hạ tầng internet đáp ứng yêu cầu kết nối trong nước. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối quốc tế còn yếu. Hiện, Việt Nam chỉ có 5 tuyến cáp quang biển kết nối quốc tế và thường gặp sự cố.

Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động (1% dân số) đang làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin; kỹ năng và năng lực công nghệ thông tin Việt Nam ở hạng 29 toàn thế giới… Ở khu vực Đông Nam Á, cấu phần kinh tế số internet/nền tảng (năm 2022) đạt gần 200 tỷ USD (tăng gấp đôi so với 2019), dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 330 tỷ USD.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đăng Khoa khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số một cách tổng thể và toàn diện; tăng cường đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng xã hội số bằng cách lấy người dân làm trung tâm; tạo điều kiện thuận lợi về thể chế và môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế số và xã hội số…/.

Võ Văn Dũng

Tin liên quan

Xem thêm