Tọa đàm tập trung vào những sáng kiến và giải pháp khoa học liên ngành để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần của mỗi người cũng như khả năng thích ứng với biến động thiên nhiên, xã hội trong thế kỷ XXI.
TTXVN - Sáng 27/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Khoa học phát triển Du lịch bền vững trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm bàn tròn về chủ đề “Quốc gia hạnh phúc: Vai trò và đóng góp của khoa học liên ngành”.
Tọa đàm tập trung vào những sáng kiến và giải pháp khoa học liên ngành để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần của mỗi người cũng như khả năng thích ứng với biến động thiên nhiên, xã hội trong thế kỷ XXI, đặc biệt là giai đoạn hậu COVID-19 với những diễn biến khó lường của thiên tai, chiến tranh và dịch bệnh.
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, năm 2023, Việt Nam xếp thứ 65 trong số hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ xếp hạng hạnh phúc quốc gia, tăng 12 bậc so với năm 2022 (theo Báo cáo Hạnh phúc toàn cầu công bố ngày 20/3/2023). Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam. Theo các tiêu chí của Báo cáo, Việt Nam hoàn toàn có khả năng lọt vào hàng ngũ các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vì các cơ sở nền tảng quan trọng như chính trị ổn định, kinh tế phát triển bền vững…
Tham luận đề dẫn, Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển Du lịch bền vững cho rằng, Bảng xếp hạng Hạnh phúc toàn cầu dựa trên những chỉ số cơ bản như: Tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Các yếu tố khác cũng được xem xét đến gồm: Độ rộng lượng của cộng đồng và việc người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống...
Các chỉ số trên được tổng hợp từ hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ do Mạng lưới giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc thực hiện. Trong các chỉ số trên: Sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người dân là yếu tố cốt lõi đặc biệt quan trọng để tạo động lực làm ra của cải vật chất xã hội, các mối quan hệ hòa ái, bền vững giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ.
Dưới góc nhìn của những người nghiên cứu và thực hành khoa học tâm thức, thạc sỹ Giác Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Tâm thức, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người thấy rằng, để tạo ra quốc gia hạnh phúc, cần tạo ra những con người hạnh phúc và giúp họ đạt tới tâm thức hạnh phúc. “Chúng tôi đã chứng thực được tình yêu thương giúp định hướng và giải quyết rất hiệu quả các vấn đề của con người, nên mọi bài học của cuộc sống đều hướng chúng ta trở về với tình yêu thương...”, thạc sỹ Giác Minh chia sẻ.
Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận về những điều kiện cơ bản để trở thành một quốc gia hạnh phúc; bối cảnh kinh tế-xã hội Việt Nam và nhân tố cốt lõi để trở thành một quốc gia hạnh phúc. Các đại biểu cũng bàn về vai trò và đóng góp của vật lý lượng tử, y học trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cấp quốc gia…Từ đó, các đại biểu đề xuất các sáng kiến, giải pháp liên ngành khoa học nhằm đóng góp cho mục tiêu quốc gia: Vì một Việt Nam hạnh phúc./.