Xã hội

Tạo môi trường tự do, hình thành năng lực học hỏi cho thiếu nhi

TP. Hồ Chí Minh

Những ý kiến của thiếu nhi rất thực tế, chân thành, các em tự tin nói ra nội dung không chỉ cho mình mà còn cho xã hội, cộng đồng.

Quang cảnh buổi gặp gỡ. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

TTXVN - Ngày 3/6, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2023.

Chương trình có sự tham gia của 150 thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 1,9 triệu trẻ em thành phố. Trong đó, 150 thiếu nhi là những học sinh giỏi tiêu biểu, tài năng trẻ, thành viên tích cực của các câu lạc bộ, đội nhóm Nhà thiếu nhi, các em là con công nhân lao động, con chiến sỹ lực lượng vũ trang, thiếu nhi tại cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em, là đại biểu Hội đồng Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ chia sẻ, hằng năm, lãnh đạo Thành phố và các địa phương luôn dành thời gian gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi để ghi nhận những vấn đề các em chia sẻ, mong muốn. Qua đó, lãnh đạo Thành phố sẽ chỉ đạo các cấp, ngành đưa ra giải pháp để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, sân chơi bổ ích, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện kỹ năng, phát huy tích cực tính sáng tạo, xung kích, tình nguyện của thiếu nhi.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, với phương châm “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, thời gian qua, Thành phố triển khai nhiều giải pháp, vận động nguồn lực chăm lo cho thiếu nhi; đồng thời duy trì, phát huy hình thức lắng nghe ý kiến trẻ em, phát huy quyền tham gia của trẻ em về những vấn đề liên quan. Lãnh đạo Thành phố trực tiếp đến mái ấm, nhà mở, gia đình thiếu nhi khó khăn, mồ côi, trẻ khuyết tật…để thăm và trao học bổng nhằm động viên tinh thần các em.

Đại diện các em thiếu nhi nêu ý kiến tại chương trình. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tại chương trình, em Nguyễn Hoàng Thắng (học sinh Trường Trung học Cơ sở Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết, em rất yêu thích lịch sử và mong giáo viên môn này đổi mới phương pháp để tăng khả năng tiếp nhận cho học sinh. Theo em Hoàng Thắng, nhà trường nên thiết kế cho học sinh trải nghiệm, tìm hiểu tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử...nhằm giúp các em thêm tự hào về lịch sử nước nhà.

Cũng quan tâm đến môn Lịch sử, em Huỳnh Anh Thư (học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, quận Gò Vấp) cho rằng, mỗi trường cần có thêm nhiều đội nhóm tuyên truyền hấp dẫn về kiến thức lịch sử, văn hóa Việt Nam hoặc có thể truyền tải lịch sử qua các vở kịch, phim tư liệu.

Một số ý kiến học sinh mong muốn, nhà trường có nhiều buổi trao đổi, sinh hoạt với phụ huynh về phương pháp đồng hành và dạy con phù hợp giai đoạn hiện nay, không gây áp lực cho trẻ trong học tập để trẻ phát triển toàn diện, tự nhiên hơn.

Về vấn đề môi trường, em Ngô Phương Anh (Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh) bày tỏ bức xúc khi ra đường gặp hiện tượng xả rác bừa bãi. Phương Anh mong muốn, Thành phố sẽ có nhiều cây xanh hơn, sớm có thư viện xanh tại công viên để mọi người có thêm không gian thư giãn, vui chơi và đọc sách.

Tương tự, em Nguyễn Võ Ngọc Giàu (học sinh Trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh) cho rằng, nhà trường cần phát động những chương trình như “đổi rác lấy quà”. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các hộ gia đình trồng nhiều cây xanh bằng vật dụng tái chế; sửa chữa và thay mới phương tiện công cộng để người dân tham gia sử dụng, tạo sự thuận lợi cho học sinh đến trường.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, những ý kiến của thiếu nhi rất thực tế, chân thành, các em tự tin nói ra nội dung không chỉ cho mình mà còn cho xã hội, cộng đồng. Mỗi lĩnh vực mà các em đề cập đều rất quan trọng, cơ quan, ban, ngành Thành phố tiếp tục lắng nghe, xem xét, điều chỉnh để thực hiện một cách khách quan và trách nhiệm nhất.

Nêu ra thực trạng phức tạp của mạng xã hội đối với thiếu nhi, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, các em còn gặp khó khăn khi phân biệt thông tin đúng sai và tốn thời gian với thông tin độc hại. Do đó, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng để ngăn chặn thông tin xấu độc, các em cần hình thành thói quen tích cực khác như đọc sách, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là thế hệ tương lai của Thành phố và của đất nước.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhắn nhủ, bậc phụ huynh hãy tôn trọng quyền và sở thích; đồng thời khen ngợi động viên, khích lệ tinh thần của thiếu nhi để các em có môi trường tự do, khám phá, hình thành năng lực tự học hỏi, tìm tòi.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cùng thiếu nhi thực hiện nghi lễ dâng hoa, dâng hương, báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh; thưởng thức kịch xiếc “Cha Rồng mẹ Tiên” tại Rạp xiếc Công viên Gia Định; tham gia hoạt động trong Lễ hội thiếu nhi (KIDS FEST) năm 2023…/.

Thu Hương

Xem thêm