Sản phẩm đêm giúp du khách hưởng thụ, trải nghiệm nhiều, vui vẻ hơn, nước ta thu được nhiều tiền hơn, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo...
TTXVN - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách. Du lịch đêm được kỳ vọng sẽ làm tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Đây cũng là một cách làm tạo ấn tượng để thu hút du khách quốc tế quay lại du lịch nước ta nhiều hơn trong thời gian tới.
* Tạo dấu ấn, thương hiệu cho du lịch
Với nhiều quốc gia, du lịch đêm không chỉ được xem là hướng đi giúp tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo dấu ấn, hình ảnh, thương hiệu, bản sắc riêng cho điểm đến.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, khái niệm nền kinh tế ban đêm (Night-time economy), thành phố hoạt động 24 giờ ra đời từ cuối năm 1970, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Chuỗi sự kiện văn hóa buổi tối mùa hè tại Roma (Italy) vào năm 1977 là một sáng kiến đầu tiên về thành phố 24 giờ. Đến những năm 1990, một số thành phố lớn ở Anh như London, Manchester đã chuyển hướng sang việc ước tính giá trị của nền kinh tế ban đêm. Phần lớn các quốc gia đều coi kinh tế ban đêm là một bộ phận của nền kinh tế, tập trung phát triển các dịch vụ từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau như văn hóa, vui chơi, thể thao, giải trí, ăn uống, mua sắm, du lịch, lễ hội, sự kiện gia đình.
Kinh tế ban đêm ngày càng toàn diện hơn, phục vụ nhiều nhóm đối tượng khác nhau, không chỉ người dân bản địa mà còn là lượng lớn du khách, đặt biệt tại các thành phố lớn, trung tâm du lịch. Đi đầu trong phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch trên thế giới là Anh, Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan hay Singapore.
Viện Nghiên cứu phát triển du lịch chia sẻ, đến cuối năm 2020, quy mô kinh tế ban đêm tại Trung Quốc ước đạt 2.400 tỷ USD, chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ mua sắm, giải trí trực tuyến, nội dung số. Các dịch vụ điện tử, truyền thông đã giúp kết nối khu vực kinh tế đêm truyền thống (giao thương trực tiếp) và khu vực kinh tế đêm trực tuyến (giao thương gián tiếp) tại nước này. Loại hình kinh tế này đã tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm tại Vương quốc Anh; 1,1 triệu việc làm tại Australia; 3,5 triệu việc làm tại Pháp; 300.000 việc làm tại New York (Hoa Kỳ).
Kinh tế đêm ở London (Anh) không chỉ riêng phục vụ nhà hàng, quầy bar thu hút lượng lớn người lao động mà các công việc như kỹ sư, nhân viên bảo vệ, y tá, lao động dọn vệ sinh, tài xế taxi, chuyên gia hỗ trợ công nghệ - thông tin, nghệ sỹ biểu diễn có mức tăng trưởng nhanh về nhu cầu lao động...
Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính nêu rõ: Chắc chắn phải phát triển du lịch đêm ở Việt Nam, bởi theo nghiên cứu, thời gian khách chi trả tiền cho hoạt động ban đêm nhiều hơn ban ngày. Sản phẩm đêm giúp du khách hưởng thụ, trải nghiệm nhiều, vui vẻ hơn ở điểm đến, nước ta thu được nhiều tiền hơn, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo... Do đó, phát triển các sản phẩm du lịch đêm chắc chắc là có lợi, tạo ra sản phẩm đa dạng, độc đáo hơn, giúp khách tăng trải nghiệm để có ấn tượng về điểm đến.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm ra đời tháng 7/2023, có phần chậm hơn thực tế triến khai ở các địa phương. Nhưng đánh dấu việc toàn ngành có khung chính sách để phát triển sản phẩm du lịch đêm thống nhất. Các địa phương xây dựng đề án riêng, dựa vào đó tạo ra sản phẩm đêm độc đáo, riêng có. Đây là cách làm đúng hướng và cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Theo đề án, đến năm 2025, nước ta có 12 địa phương trọng điểm được xác định phát triển gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được đặt ra, đi kèm các dịch vụ đặc trưng và dịch vụ bổ trợ. Đó là các mô hình: Biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
* Kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu
Ở Việt Nam, phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm là vấn đề mới. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bắt nhịp sớm với xu hướng, gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Phố cổ Hoa Lư ở khu vực núi Kỳ Lân (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) luôn nhộn nhịp, đông vui, nhất là vào ban đêm, đặc biệt là vào cuối tuần, nghỉ lễ.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, phố cổ Hoa Lư là điểm nhấn để thu hút khách du lịch về đêm. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ về đêm, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực..., giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Trước đây, lượng lưu trú là khoảng 10-15%, khi có sản phẩm đêm, lượng khách lưu trú đạt 20 - 24% lượng khách đến. Thời gian tới, Sở tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư vào khu sinh thái kết hợp du lịch, mở rộng không gian phố cổ kéo dài vào Khu Văn hóa Tràng An để tạo điểm nhấn mới du lịch Ninh Bình.
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái chia sẻ, Phú Quốc hiện nay đã có diện mạo mới, nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế đêm. Nổi bật là "thành phố không ngủ" với tổ hợp biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thực cảnh, nghệ thuật truyền thống và đương đại, vở diễn "Tinh hoa Việt Nam". Đặc biệt là show diễn đặc biệt công nghệ ánh sáng kết hợp nhạc nước có tính cộng đồng cao, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Phía Nam đảo có khu Địa trung hải đi vào hoạt động, giúp du khách trải nghiệm biểu diễn sân khấu bên bờ biển, show diễn "Nụ hôn giữa ngàn sao" sử dụng kết hợp lửa, nước, pháo hoa, âm nhạc...
Ông Cao Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Paradise Vietnam cho rằng, với doanh nghiệp, việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm là rất cần thiết để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách, nâng cao doanh thu và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Sản phẩm du lịch kết hợp thưởng thức âm nhạc đang trở thành trào lưu được đông đảo du khách, giúp các điểm đến tăng cường thu hút khách 7 - 8 lần, gia tăng chi tiêu của du khách 4 - 5 lần so với thông thường.
Do đó, Paradise Vietnam đã hợp tác với đạo diễn Hoàng Nhật Nam xây dựng và triển khai show nghệ thuật đa phương tiện "Vũ điệu biển khơi" trên sản phẩm du thuyền ban đêm. Đây cũng là show nghệ thuật đầu tiên trên du thuyền tại Việt Nam. Paradise Vietnam đã đầu tư tổ chức các đêm nhạc với sự xuất hiện của các ca sỹ nổi tiếng trong nước, quốc tế liên tục từ tháng 7/2023 trên du thuyền và khu sân khấu ngoài trời trên đảo Tuần Châu. Đây là việc đón đầu xu hướng phát triển sản phẩm du lịch kết hợp xem các chương trình ca nhạc trên thế giới.
Đặc biệt, đêm nhạc của ban nhạc 911 trên du thuyền nhà hàng Paradise Delight đầu tháng 9/2023 đã thu hút gần 300 khách tham dự, nhiều người đến từ Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Thái Lan… Đây sự kiện âm nhạc quốc tế đầu tiên trên vịnh Hạ Long và mở đường cho sự phát triển các sản phẩm du lịch âm nhạc toàn cầu ở Hạ Long, Quảng Ninh trong tương lai.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tiến hành một cuộc khảo sát trước COVID-19. Kết quả cho thấy, khách quốc tế tới Việt Nam chỉ dành khoảng 20% chi phí tổng chuyến đi cho dịch vụ, chủ yếu cho lưu trú, ăn uống. Tại Malaysia, Thái Lan, chi phí dịch vụ là 40-50% thậm chí 70%, trong đó có dịch vụ đêm. Thái Lan khuyến khích du lịch đêm vì nguồn thu cao hơn so với ban ngày, làm tăng thời gian lưu trú. Du khách có trải nghiệm nhiều hơn và có thêm lý do để quay trở lại. Người dân địa phương có thêm cơ hội việc làm và tăng thêm lợi ích. Thực tế, du khách có nhu cầu rất lớn được trải nghiệm vào ban đêm, từ đó thúc đẩy các ngành dịch vụ mở cửa dài hơn; nâng cao mức chi tiêu của khách lên tới 30 - 40% trong 5 năm tới.
Tuy vậy, theo ông Hoàng Nhân Chính, để phát triển sản phẩm du lịch nói chung, trong đó có du lịch đêm bền vững cần phải tăng cường đối thoại công tư, giữa người dân với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước để hài hòa lợi ích, tất cả cùng hưởng lợi, kể cả du khách. Tiếp theo là phải có sự bắt tay để xây dựng sản phẩm mang dấu ấn, giới thiệu hết nét độc đáo trong kho tàng văn hóa địa phương đến với du khách. Có lẽ, cần có bàn tay của những người làm đạo diễn, văn hóa, kiến trúc, am hiểu lịch sử để tạo ra sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn từ chính những tài nguyên sẵn có.
Công tác quảng bá, xúc tiến cho các sản phẩm, điểm đến cần tích cực hơn nữa. Bên cạnh cách làm truyền thống, ngành Du lịch cần thực hiện mạnh mẽ tiếp thị số, tập trung vào thị trường nước ngoài trọng điểm. Quản lý điểm đến cũng là việc mà các địa phương cần lưu ý để tạo hình ảnh đẹp, thân thiện, mến khách; tránh cho khách nỗi sợ hãi khi đi du lịch như kẹt xe, tai nạn giao thông, trộm cắp, cướp giật, chèo kéo khách mua bán hoặc nhà vệ sinh công cộng thiếu vệ sinh, điểm đến không sạch sẽ, không bảo vệ môi trường... Nếu du khách đến có trải nghiệm tốt hơn, không bị những tác động tiêu cực, chắc chắn họ sẽ quay trở lại Việt Nam nhiều hơn.
Du khách quay trở lại là điểm mấu chốt giúp Việt Nam tăng doanh thu, có thị trường nguồn bền vững. Từ đó, du lịch mới có thể thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GDP, phấn đấu đến năm 2030 đóng góp 15%. Đó là mục tiêu lớn mà ngành Du lịch cần đạt đến./.