Du lịch

Phát triển du lịch Nam Bộ theo hướng xanh, bền vững - Bài 1: Du lịch xanh tăng khả năng cạnh tranh

TP. Hồ Chí Minh

Vùng Nam Bộ nước ta có đặc điểm đa dạng về địa hình sinh thái, cộng đồng nhiều dân tộc sinh sống với những nét văn hóa, tạo nên thế mạnh nổi bật để phát triển du lịch với định hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

TTXVN - Chủ đề Ngày Du lịch Thế giới (27/9) năm 2023 được Tổ chức Du lịch Thế giới chọn là “Du lịch và đầu tư xanh” cho thấy sự cần thiết của việc đầu tư, phát triển ngành kinh tế tổng hợp theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Khu vực Nam Bộ gồm Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là những vùng du lịch trọng điểm quốc gia, việc phục hồi, phát triển du lịch sau giai đoạn COVID-19 không thể nằm ngoài quỹ đạo trên.

Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và các giải pháp được triển khai ở các địa phương nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững qua hai bài viết: "Phát triển du lịch Nam Bộ theo hướng xanh, bền vững".

Bài 1: Du lịch xanh tăng khả năng cạnh tranh

Huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Vùng Nam Bộ nước ta gồm 19 tỉnh, thành phố, là nơi có đặc điểm đa dạng về địa hình sinh thái, cộng đồng nhiều dân tộc sinh sống với những nét văn hóa, tạo nên thế mạnh nổi bật để phát triển du lịch với định hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

* Bảo đảm cho phát triển bền vững

Lễ hội Dinh Cô - Long Hải (Lệ Cô) tại Di tích Dinh Cô thuộc thị trấn Long Hải - Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực sớm tiếp cận mô hình tăng trưởng xanh. Ngay từ năm 2012, Chính phủ đã có Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến 2050. Tiếp đó, năm 2021, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được ban hành với mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Chiến lược cũng định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, trong đó có thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành du lịch.

Du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu. Du lịch xanh dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Từ quan điểm này, đối chiếu với hai vùng trọng điểm du lịch là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá đây chính là những khu vực có tiềm năng nổi trội bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững theo định hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Phát triển du lịch được thực hiện gắn liền với khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường...

Thời gian qua, du lịch Việt Nam nói chung, khu vực Nam Bộ nói riêng đã có những tăng trưởng mạnh mẽ và ấn tượng. Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị du lịch sống động của cả nước bình quân mỗi năm đón khoảng 40 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Bà Rịa - Vũng Tàu với thế mạnh du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, có thành phố biển Vũng Tàu đạt danh hiệu Thành phố Du lịch sạch ASEAN đón mỗi năm 15 - 16 triệu du khách. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị vùng sông nước Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre… là các điểm đến gắn với miệt vườn trồng cây ăn trái, hoa, cây cảnh ngày càng được nhiều du khách lựa chọn.

Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương (Văn phòng Quốc hội) khẳng định, khu vực Nam Bộ là nơi có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tăng trưởng xanh từ nguồn tài nguyên đa dạng, danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa, lịch sử, các hệ sinh thái gắn với môi trường thiên nhiên, sông nước. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng, phát triển du lịch xanh đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế, tạo cơ hội tăng thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Điều này hoàn toàn phù hợp với những định hướng trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch của các địa phương về phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch theo hướng bền vững hay tăng trưởng xanh nói riêng.

Phân tích sâu về phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Đinh Tiên Minh (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) và cộng sự cho rằng, phát triển du lịch bền vững trên nền tăng trưởng xanh giúp giảm thiểu chi phí và tối đa hóa lợi ích của du lịch đối với môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương, có thể được thực hiện trong dài hạn mà không ảnh hưởng xấu đến tài nguyên. Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển song cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mang tính sống còn như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gây ảnh hưởng nặng nề trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, phát triển du lịch đồng thời tiếp tục tuân thủ các cam kết, đảm bảo phát triển bền vững, trong đó có những vấn đề liên quan như ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch văn hóa cội nguồn, du lịch nghỉ dưỡng là rất cần thiết.

* Khẳng định giá trị

Lễ giỗ Bà Phi Yến tại Di tích An Sơn miếu huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh Huỳnh Sơn/TTXVN)

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai trong bảy vùng du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước. Khu vực Đông Nam Bộ hướng đến khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch MICE; du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm; du lịch gắn với cửa khẩu. Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng khai thác các sản phẩm: du lịch sinh thái (miệt vườn, đất ngập nước); du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa, lễ hội. Đây là những sản phẩm du lịch đặc trưng, giúp nâng giá trị cạnh tranh trên cơ sở tôn trọng nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn kết với bảo vệ môi trường, thể hiện rõ định hướng phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo Thạc sĩ Đỗ Thanh Hiền, Học viện Chính trị Khu vực I ( Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nhìn một cách bao quát, về địa lý tự nhiên, Nam Bộ bao gồm hai bộ phận có đặc điểm khác nhau. Đông Nam Bộ là vùng đồng bằng cao với các thềm phù sa cổ, bán bình nguyên đất đỏ bazan và vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long tương đối bằng phẳng. Nam Bộ nằm trong vùng khí hậu cận xích đạo, ít chịu ảnh hưởng của bão, ít có diễn biến thất thường về khí hậu, có nhiều hồ lớn, sông dài, hệ sinh thái rừng đa dạng… rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Nam Bộ cũng có đường bờ biển dài tạo nên các bãi biển đẹp, nước trong xanh, các hòn đảo, quần đảo như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du... là điểm nhấn trong du lịch biển đảo.

Cùng với đó, Nam Bộ có nguồn tài nguyên du lịch gắn với cảnh quan núi rừng như núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Bà Rá (Bình Phước), núi Chứa Chan (Đồng Nai), núi Sập (An Giang), núi Đá Dựng (Kiên Giang)… Nơi đây còn có nhiều sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan, hệ sinh thái sông hồ: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu, sông Ông Đốc, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hồ Thác Mơ. Các điểm đến du lịch sinh thái được hình thành gắn với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, khu rừng ngập mặn như Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, hệ thống Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), Vườn quốc gia Lò Xò - Xa Mát (Tây Ninh), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)…

Cùng với đó, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đa dân tộc, nơi định cư và sinh sống của đồng bào các dân tộc đến từ khắp mọi vùng miền trong cả nước, đa dạng bản sắc văn hóa, đa dạng di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ học Đây chính là những tài nguyên hình thành nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần phát triển bền vững du lịch toàn vùng.

Ở góc độ địa phương, đề cập đến sản phẩm du lịch cụ thể cho thấy định hướng phát triển xanh, bền vững, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, Cần Giờ là huyện ngoại thành duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa có rừng vừa có biển, thuận lợi cho phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa cộng đồng cư dân. Trong đó, tiêu biểu là sản phẩm du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng ở xã Thạnh An mới đưa vào khai thác từ cuối năm 2022 với 16 điểm đến nổi bật. Hành trình về ấp đảo Thiềng Liềng, du khách có cơ hội được trải nghiệm nghề làm muối, tham quan không gian hoài niệm, lắng nghe tiếng đờn ca tài tử, đón làn gió mát của sông Lòng Tàu, cánh rừng Sác bạt ngàn, tham quan cánh đồng muối trắng xóa cùng những ngôi nhà, khu vườn của người dân trên xã đảo, thưởng thức đặc sản ẩm thực, ngâm chân thảo dược... Đây chính là sản phẩm du lịch gắn với môi trường thiên nhiên trong lành, thể hiện sinh động về phát triển sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường và phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc./.

Thanh Trà - Nhật Bình

Xem thêm