Tạo sinh kế cho người dân - nền tảng tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản tận, hủy diệt
Bên cạnh tập trung ngăn chặn, phòng chống với nhiều hình thức xử phạt mang tính răn đe, cần có những giải pháp nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân, đây mới là “gốc” giải quyết vấn đề.
Nhằm kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng nguồn lợi thủy sản bị khai thác tận, hủy diệt, chiều 28/3, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn.
Báo cáo kết quả thực hiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Châu Công Bằng thông tin: Đến nay, các đơn vị, địa phương có liên quan đã tổ chức tuyên truyền 17.260 cuộc/458.858 lượt người tham dự (hình thức tuyên truyền được lồng ghép thông qua các cuộc họp, hội thảo, tập huấn, các nền tảng mạng xã hội, bằng loa lưu động trong ấp, khóm, trong các chuyến tuần tra, kiểm tra trên biển...). Qua đó, nhiều hộ dân đã tự giác, tự nguyện giao nộp cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hơn 2.500 bộ dụng cụ kích điện mang tính khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản; 144.655 hộ cam kết không sản xuất buôn bán, tàng trữ vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác nguồn lợi thủy sản ở tất cả các vùng nước...
Lực lượng Kiểm ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các lực lượng có liên quan tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, cửa biển tỉnh Cà Mau. Qua đó, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý 92 vụ vi phạm, chủ yếu là khai thác sai vùng, không chứng chỉ hành nghề theo quy định; không ghi sổ nhật ký khai thác; lưu giữ thiết bị giám sát hành trình, không có thiết bị giám sát hành trình tàu cá 15-24 m.
Bên cạnh đó, công tác tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được quan tâm và duy trì thường xuyên. Hiện tại, có 113 tổ cộng đồng quản lý chống khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính tận diệt, hủy diệt được thành lập với 1.968 thành viên. Đã triển khai thả được 900 khối rạn nhân tạo hình lập phương bằng bê tông cốt thép trên khu vực vùng biển Tây tỉnh Cà Mau.
Cùng với những kết quả đạt được, tại hội nghị, đại biểu cũng nêu lên nhiều khó khăn, đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, bài toán về chuyển đổi nghề cho người dân đang là thách thức lớn, đòi hỏi các địa phương cần có cách làm phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra.
Theo phản ánh, thời gian qua, các địa phương luôn quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ các hàng đáy, đăng và tự nguyện chuyển đổi nghề khác phù hợp; ký cam kết không vi phạm các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, một số hộ dân không có kinh phí để tự chuyển đổi nghề khác phù hợp, vì vậy người dân đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề. Từ khúc mắc đó nên qua vận động, rà soát chỉ có 220 lao động đăng ký học nghề, 46 lao động xin tư vấn việc làm để xuất khẩu lao động, 103 lao động xin tư vấn giới thiệu việc làm trong nước, 1.450 hộ xin hỗ trợ vốn để chuyển nghề. Đến nay, chỉ có 168 hộ dân chuyển đổi nghề và 6 mô hình chuyển đổi.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao kết quả các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đạt được; đồng thời, lưu ý tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau có hai nhóm nội hàm rất quan trọng là tăng cường, ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và đồng thời phải phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Do đó, bên cạnh tập trung ngăn chặn, phòng chống với nhiều hình thức xử phạt mang tính răn đe, cần có những giải pháp nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân, đây mới là “gốc” giải quyết vấn đề.
Thực tế hiện nay về chuyển đổi nghề chỉ chú trọng tuyên truyền, chưa có chính sách để hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ dân. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, sở, ngành và địa phương là phải tạo ra chính sách hỗ trợ trực tiếp để người dân chuyển đổi sinh kế chứ không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền như hiện nay. Công tác triển khai thực hiện các chỉ thị là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, quyết tâm đến cuối năm 2025 chấm dứt tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 22 tập thể, 70 cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn./.
- Từ khóa:
- sinh kế
- khai thác thủy sản
- tận diệt
- IUU
- Cà Mau