Thực thi chính sách

Tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên nhằm ưu tiên và hỗ trợ bảo đảm thu nhập cho giáo viên.


Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

TTXVN - "Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đầu tư chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học, tạo sự đồng thuận của xã hội trong triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông". Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, diễn ra tại Hưng Yên ngày 8/4.

Cùng tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

* Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết, năm học 2022-2023, theo định mức Hưng Yên cần gần 10.900 giáo viên, trong khi hiện chỉ có 9.300 giáo viên, còn thiếu gần 1.600 người. Nếu năm tới không được bổ sung thì tỉnh vẫn thiếu gần 2.300 giáo viên ở cả 3 cấp học. Về công tác đào tạo bồi dưỡng, từ năm học 2020 -2021, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, 100% cán bộ quản lý và giáo viên đã được tham gia tập huấn, bồi dưỡng theo quy định.

Tỉnh Hưng Yên đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên nhằm ưu tiên và hỗ trợ bảo đảm thu nhập cho giáo viên. Về việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, cần xác định nhu cầu tuyển dụng, giao chỉ tiêu đào tạo gắn với việc giao biên chế giáo viên để bảo đảm vị trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền tạm thời chưa áp dụng tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập…

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị tỉnh làm rõ nguyên nhân của việc thiếu giáo viên và giải pháp khắc phục; hạn chế về trình độ của một bộ phận giáo viên, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin; việc chi trả cho hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; mức độ đáp ứng của giáo viên và học sinh trong dạy tích hợp và tổ hợp bộ môn; công tác tiếp nhận ý kiến, đóng góp của dư luận xã hội về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác xã hội hóa các loại hình đào tạo, xã hội hóa về cơ sở vật chất…

Đoàn giám sát đánh giá cao tinh thần sẵn sàng đổi mới, tâm huyết, trách nhiệm, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ giáo viên tỉnh Hưng Yên trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đề nghị tỉnh báo cáo về việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên để tổ chức tuyển dụng; làm rõ nguyên nhân không tuyển dụng hết số biên chế được giao. Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa tổ chức dạy 2 môn âm nhạc, mỹ thuật đối với cấp Trung học phổ thông do học sinh không lựa chọn và chưa có giáo viên. Tỉnh cần đánh giá ảnh hưởng của việc này đến mục tiêu của Chương trình nhằm phát triển hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

* Nhân rộng mô hình dạy học tiên tiến, tạo tiền đề cho chương trình, sách giáo khoa mới

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, tỉnh Hưng Yên đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội đạt hiệu quả thiết thực. Hằng năm, tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục hướng dẫn và giao quyền chủ động cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7,10 theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể. Đồng thời, đảm bảo thống nhất giữa kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm khác để tăng cường giáo dục kỹ năng sống nhằm mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Về việc lựa chọn sách giáo khoa, căn cứ danh mục sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức giới thiệu tới 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Sau đó, căn cứ các thông tư của Bộ để thực hiện việc đề xuất, lựa chọn.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên Nguyễn Văn Phê, từ năm học 2014-2015 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên đã triển khai một số phương pháp, mô hình dạy học tiên tiến, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đây là điều kiện thuận lợi, là tiền đề cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá từ trước khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên không gặp khó khăn trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thực hiện chương trình. Sở Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo trường Tiểu học, Trung học cơ sở cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng giáo viên Tin học và Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Ở bậc Trung học phổ thông, các trường đã xây dựng kế hoạch và sắp xếp tổ hợp nhóm 4 môn lựa chọn dựa trên điều kiện thực tế của đội ngũ giáo viên hiện có và hiện trạng điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Năm học 2022-2023, tất cả các trường Trung học phổ thông đã tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học phù hợp với năng lực và nhu cầu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận những điểm sáng của ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên trong thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch phân bổ, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp... Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, tỉnh cần phát huy các kết quả tích cực, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm để nhân dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận và chia sẻ, ủng hộ ngành Giáo dục nhiều hơn./.

PV

Xem thêm