Du lịch

Tạo sự đồng thuận, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả

Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN)

TTXVN - Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững đã diễn ra sáng 15/8 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 61 điểm cầu.

Sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với các chính sách thị thực mới (nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày...). Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày.

Tại hội nghị, Ban Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản mới của ngành du lịch tới cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan.

Du khách vui chơi ở Mộc Châu (Sơn La). (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Đó là các văn bản: Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết này nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai theo quan điểm "tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn".

Cùng với đó là 2 văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đầu tiên là Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Tiếp đó là Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nêu rõ: Trong 7 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt. Khách nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới... Hội nghị lần này cũng góp phần nâng cao vai trò, đề cao trách nhiệm của toàn ngành trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN)

Trong số các nội dung trọng tâm cần lưu ý trong thời gian tới, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề cập đến việc tăng tốc, quyết liệt hành động nhằm tạo ra đột phá trong phát triển du lịch, trong đó có kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cùng với đó, ngành phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi, phát triển du lịch...

Hội nghị đã ghi nhận 11 ý kiến đóng góp, thảo luận của các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Ninh Bình, Kiên Giang... Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần tiếp tục thực hiện vai trò "nhạc tưởng" trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Bởi lẽ, việc này cần sự thống nhất để đạt hiệu quả cao nhất trong việc thu hút khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam...

Du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe bus. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Từ nay đến cuối năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ phê duyệt một số đề án như Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm. Đây cũng là một số nội dung mà các địa phương nêu ý kiến đóng góp tại hội nghị.../.

Thanh Giang

Xem thêm