Chỉ đạo, Điều hành

Tập huấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm cho cán bộ Công đoàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Kiên Giang

Nợ bảo hiểm xã hội gây thiệt hại cho người lao động. Đến hết tháng 9/2022, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội trên cả nước là 21.432 tỷ đồng. Người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Ngày 3/11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức tập huấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ công đoàn 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cán bộ công đoàn của Liên đoàn Lao động 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo và phòng chuyên môn các sở, ban, ngành tỉnh Kiên Giang tham dự.

Đại biểu tham dự được truyền đạt các nội dung về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về vấn đề này; chính sách bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động cùng một số vấn đề có liên quan.

Cụ thể, trên cả nước ước đến hết tháng 9/2022 có hơn 17,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; hơn 87,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 88,3% dân số. Nợ bảo hiểm xã hội gây thiệt hại cho người lao động, với tổng số tiền chậm đóng 21.432 tỷ đồng. Người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội còn thấp, chưa đúng, đủ quy định của pháp luật.

Các đại biểu được phổ biến nội dung xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; sửa đổi quy định về điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội, tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ; cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội; đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức… và những nội dung khác có liên quan.

Ngoài ra, các đại biểu còn tiếp nhận nội dung về an sinh xã hội, các tiêu chuẩn quốc tế, thách thức mở rộng an sinh xã hội tại Việt Nam; tiêu chuẩn lao động quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động khi thất nghiệp và những vấn đề ở Việt Nam; bảo vệ người lao động trong trường hợp thất nghiệp; định hướng những nội dung lớn trong dự kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới…

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận thực tiễn thi hành chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; các tiêu chuẩn quốc tế về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; thực tiễn nội luật hóa trong các quy định của pháp luật hiện nay; những khoảng trống trong chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, đề xuất để hoàn thiện chính sách, góp ý đối với các nhóm chính sách trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Từ các nội dung trên, các đại biểu thống nhất Công đoàn cần quan tâm những vấn đề về quyền và trách nhiệm trong công tác bảo hiểm xã hội, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, giải quyết và chi trả kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhận bảo hiểm xã hội một lần, tham gia hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của tổ chức Công đoàn trong thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; chủ động tham gia, tích cực, có chất lượng việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thực hiện đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương; tăng cường tham gia thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hình vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận và trục lợi tiền bảo hiểm xã hội.

Dịp này, đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan đến khảo sát thực tế về thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội ở một số doanh nghiệp tại khu công nghiệp Thạnh Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành./.

Lê Huy Hải

Xem thêm