Văn hóa

Tấp nập người dân, du khách đến đền Trần du Xuân đầu năm mới

Nam Định

Tại khu vực cổng chính đền Trần, rất đông du khách có mặt tranh thủ chụp những tấm hình làm kỷ niệm; trong khuôn viên đền Trần người dân thong thả thăm quan và thắp nén hương cầu mong năm mới may mắn, bình an

Đông đảo người dân, du khách đến đền Trần để vãn cảnh, chiêm bái cầu mong một năm mới may mắn, bình an… cho bản thân và gia đình. 
Ảnh: Công Luật – TTXVN

Những ngày đầu Xuân mới Ất Tỵ 2025, Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đón hàng nghìn lượt khách đến thăm quan, chiêm bái, du xuân. Đây là một nét đẹp văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Sáng mùng 4 Tết Nguyên đán, thời tiết tại thành phố Nam Định rất thuận lợi, trời khô tạnh có nắng ấm, là điều kiện lý tưởng để du xuân. Tại khu vực cổng chính đền Trần, rất đông người dân, du khách đã có mặt từ sớm tranh thủ chụp những tấm hình để làm kỷ niệm; trong khuôn viên đền Trần người dân thong thả thăm quan những nét kiến trúc cổ kính của ngôi đền và thắp hương cầu mong một năm mới may mắn, bình an… cho bản thân và gia đình.

Ông Đoàn Văn Sử, phường Nam Phong, thành phố Nam Định cho biết, đầu năm đi lễ đền, chùa đã trở thành một tục lệ, nét đẹp văn hóa của người dân địa phương, vì vậy năm nào ông và gia đình cũng đến đây để thăm quan, thưởng ngoạn phong cảnh và cầu mong một năm mới có nhiều sức khỏe, may mắn. Hơn nữa, đến với đền Trần cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ, tri ân các vị vua Trần đã có công xây dựng, bảo vệ đất nước với 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông.

Nhiều du khách chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình, người thân tại khuôn viên đền Trần. 
Ảnh: Công Luật – TTXVN

Cùng chung tâm trạng hứng khởi khi đến với đền Trần trong những ngày đầu Xuân năm mới, anh Nguyễn Văn Bình, du khách đến từ tỉnh Hà Nam cho hay, mỗi lần sang Nam Định đi chúc Tết người thân, anh lại tranh thủ đi lễ đền Trần để mong một năm mới làm ăn thuận lợi, bình an. Đến đây anh rất ấn tượng với lối kiến trúc cổ kính của ngôi đền, đặc biệt là những pho tượng vua Trần bằng đồng được làm tỉ mỉ, tinh xảo thể hiện tinh hoa của các nghệ nhân, cho thấy đây là một trong những vương triều thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc.

Để tạo ấn tượng với du khách gần xa, năm nay Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần - Chùa Tháp đã dời 2 khu gửi xe ra bên ngoài khu vực khuôn viên đền, đồng thời thay bằng những tiểu cảnh với chủ đề chào Xuân năm 2025 và Khai ấn đền Trần để du khách có thể thăm quan, chiêm ngưỡng, lưu lại những bức ảnh kỷ niệm cùng người thân khi đến với ngôi đền cổ kinh, linh thiêng này.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định chia sẻ, những năm trước đây khi đến với đền Trần rất ít chỗ vãn cảnh, chụp ảnh thì năm nay ngoài khu vực hồ nước rộng lớn có cảnh quan đẹp thì Ban tổ chức đã làm thêm các hoạt cảnh rất đẹp ở ngay lối cổng ra vào, thuận tiện cho người dân chụp ảnh lưu niệm. Hôm nay có rất đông người đến đây chụp, để có bức ảnh ưng ý, gia đình phải đợi khá lâu mới đến lượt, nhưng khi chụp xong ai nấy đều rất vui vẻ, hoan hỉ.

Xin chữ đầu xuân tại đền Trần. 
Ảnh: Công Luật - TTXVN

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, ngay từ ngày mùng 1 Tết, Khu di tích đã đón đông đảo người dân, du khách đến đi lễ, vãn cảnh, nhà đền sẽ mở cửa liên tục từ nay đến Lễ hội Khai ấn để phục vụ người dân. Lễ Khai ấn năm nay sẽ có nhiều nội dung, bao gồm phần Lễ trang trọng và phần hội sôi động, đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, năm nay Ban Tổ chức sẽ tổ chức livestream nghi Lễ Khai ấn qua màn hình để người dân không vào được khu vực làm lễ có thể theo dõi ở vòng ngoài.

Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, Công an thành phố Nam Định đã xây dựng phương án, huy động các lực lượng bố trí các vòng an ninh trong và xung quanh khu vực đền Trần, đồng thời tổ chức phân làn giao thông, phòng, chống cháy nổ để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến với đền Trần.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Tỵ năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 29/1 đến 27/2 (từ mùng 1 đến 30 tháng Giêng Âm lịch). Phần lễ được tổ chức trang trọng theo nghi lễ truyền thống, diễn ra từ ngày 8/2 và kết thúc vào ngày 13/2 (từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng Âm lịch). Các hoạt động chính gồm: Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ, lễ rước Nước và tế Cá, nghi thức dâng hương, nghi lễ Khai Ấn...

Từ 5 giờ sáng 12/2 (15 tháng Giêng), Ban Tổ chức sẽ phát ấn lộc cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày và Đền Trùng Hoa./.

Mai Công Luật

Xem thêm