Tây Ninh quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên tuyến biên giới
Tình hình tội phạm trên tuyến biên giới còn tiềm ẩn phức tạp nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Ngày 6/12, HĐND tỉnh Tây Ninh khai mạc Kỳ họp thứ 10, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì.
Báo cáo tại Kỳ họp, ông Ngô Văn Hối, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, qua thống kê công tác kiểm sát từ ngày 1/11/2022 đến 31/10/2023, tội phạm mới khởi tố trên địa bàn là 1.389 vụ/2.826 bị can, tăng 242 vụ/130 bị can so với năm 2022 (tương đương 21,1% số vụ, 4,8% số bị can). Tội phạm tập trung nhiều nhất là nhóm tội phạm trật tự xã hội 534 vụ/1.550 bị can; tội phạm xâm phạm sở hữu, kinh tế, môi trường 514 vụ/703 bị can, tội phạm về ma túy 334 vụ/543 bị can.
Cụ thể, nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu như: Trộm cắp tài sản tăng 78 vụ/66 bị can; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 30 vụ/39 bị can; cướp tài sản tăng 10 vụ/38 bị can. Nhóm tội phạm trật tự xã hội, xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác như: Giết người tăng 28 vụ/56 bị can, cố ý gây thương tích tăng 20 vụ/11 bị can, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 13 vụ/18 bị can; tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng tăng 9 vụ/13 bị can.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh Ngô Văn Hối đánh giá, nguyên nhân dẫn đến một số tội phạm tăng là do tình hình kinh tế suy giảm nên gia tăng nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu. Do mâu thuẫn, tranh chấp cá nhân trong quan hệ xã hội, gia đình không được giải quyết triệt để dẫn đến người phạm tội giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Một số đối tượng dưới 18 tuổi thiếu sự quan tâm, quản lý giáo dục của gia đình nên hạn chế nhận thức, hành vi thiếu kiểm soát; công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa thật sự hiệu quả.
Thông tin từ bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh, các tội phạm đã đưa ra xét xử chiếm tỷ lệ cao vẫn là các nhóm tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người. Qua thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động.
Theo ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội ngay từ cơ sở, không để xảy ra tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, gây bức xúc dư luận. Các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội được tăng cường. Công tác bắt, giam giữ và điều tra xử lý tội phạm được thực hiện đúng quy định pháp luật. Công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự đảm bảo đúng quy định không để khiếu nại, tố cáo kéo dài. Cơ quan chức năng tỉnh đã tập trung tuyên truyền, đấu tranh với các đường dây lừa xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép theo kiểu “việc nhẹ, lương cao”, kéo giảm được tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng nhìn nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phối hợp phòng, chống tội phạm ở các ngành, các cấp chưa được thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền chủ yếu lồng ghép, chưa tập trung vào những địa bàn, đối tượng có nguy cơ cao. Việc nắm bắt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chưa kịp thời, giải quyết chưa triệt để, tồn tại kéo dài. Tình hình tội phạm trên tuyến biên giới còn tiềm ẩn phức tạp nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Campuchia vào Việt Nam qua tỉnh Tây Ninh; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trên không gian mạng xuyên biên giới; tình trạng các băng nhóm thanh thiếu niên thích ăn chơi, thể hiện, đua đòi, sử dụng trái phép chất ma túy là nguồn làm gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp bảo vệ an ninh trật tự giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, quan tâm củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở, xây dựng, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả về phòng, chống tội phạm; làm tốt công tác nắm tình hình và giải quyết mâu thuẫn từ trong nội bộ nhân dân; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong giáo dục, giúp đỡ và quản lý đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm; tập trung làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhất là ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện của tội phạm.
Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực các lực lượng công an, quân sự, biên phòng, hải quan trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Lực lượng công an thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội.
Cùng với đó, là nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp và Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) Mộc Bài, Xa Mát; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ phối hợp, hợp tác với các lực lượng chức năng Campuchia trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên tuyến biên giới./.
- Từ khóa:
- Tây Ninh
- phòng
- chống tội phạm
- tuyến biên giới