Pháp luật

Thái Bình: Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để phát triển Khu kinh tế ven biển

Thái Bình

Huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) đang nỗ lực đẩy nhanh công tác giảiphóng mặt bằng để thực hiện các dự án theo quy hoạch phát triển kinh tế venbiển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiền Hải là huyện ven biển thuộc phía Đông Nam tỉnh Thái Bình, có chiều dài bờ biển gần 24 km với 8 xã ven biển. Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, huyện Tiền Hải được xác định là một trong hai huyện trọng điểm phát triển khu kinh tế ven biển của tỉnh Thái Bình với quy mô diện tích gần 18.000 ha gồm các phân khu chức năng: Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Cồn Thủ Cồn Vành; Khu phố biển Đồng Châu và các khu công nghiệp Hải Long, Hưng Phú, Hoàng Long, Tiền Hải, Hoàng Minh…

Để thực hiện các dự án theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác giải phóng mặt bằng được xem là khâu then chốt. Do vậy, thời gian qua, huyện Tiền Hải đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đặc biệt tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách đền bù, hỗ trợ. Nhờ vậy, rất nhiều dự án nhận được sự đồng tình cao của người dân như dự án khu công nghiệp Hưng Phú, khu công nghiệp Hải Long, khu công nghiệp Tiền Hải đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trong thời gian ngắn khoảng 1 tháng. Đến nay, các dự án này đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Những năm qua huyện Tiền Hải đã phát huy lợi thế ven biển để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Mặc dù đạt được kết quả trên, song quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn khó khăn. Điển hình như tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, hiện còn trên 60 ha đất nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Vành. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng nhiều lần tuyên truyền, đối thoại và ra quyết định xử phạt hành chính nhưng người dân vẫn không bàn giao đất cho địa phương. Đây là khu đất năm 1991 UBND xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho ông Phạm Hoài Nam (trú tại Giao Thủy, tỉnh Nam Đinh) và ông Đinh Quang Nghi (trú tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) thuê thầu để xây dựng vùng nuôi tôm điểm theo chương trình Ramsar (Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Đến năm 2002 khi hết hạn hợp đồng, UBND xã Nam Phú tiếp tục ký gia hạn hợp đồng với ông Phạm Hoài Nam và ông Đinh Quang Nghi.

Tuy nhiên, năm 2023, UBND xã Nam Phú đã ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Phạm Hoài Nam và ông Đinh Quang Nghi do các ông Phạm Hoài Nam, ông Đinh Quang Nghi (khi còn sống) và những người thừa kế của ông Đinh Quang Nghi đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, không thực hiện theo đúng thỏa thuận đã cam kết. Cụ thể từ năm 2007 đến nay, không thực hiện theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt mà chỉ quai đắp để nuôi thủy hải sản; không trực tiếp sử dụng diện tích ô đầm để thực hiện theo mô hình Ramsar mà tự ý cho các cá nhân khác thuê nuôi trồng thủy hải sản.

Sau khi các hộ dân không chịu bàn giao đất và tiếp tục giữ để nuôi trồng thủy sản, UBND xã Nam Phú đã lập biên bản vi phạm hành chính ngày 18 tháng 3 năm 2024 đối với ông Phạm Hoài Nam và những người thừa kế của ông Đinh Quang Nghi - những người trực tiếp đang sử dụng đất về hành vi chiếm hơn 60 ha đất nông nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất (ngày 1 tháng 4 năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định xử phạt về việc chiếm dụng khu đất trên để nuôi trồng thủy sản).

Nhiều cá nhân chiếm đất nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Không đồng ý với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, các hộ dân đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo kết luận số 586/QĐ-BNNMT, ngày 2/4/2025, của Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định rất rõ: Theo bản đồ đo đạc các năm 2011, năm 2014 và trích đo địa chính năm 2023 xác định khu đất nêu trên (hơn 60 ha) là đất nuôi trồng thủy sản do UBND xã Nam Phú cho ông Phạm Hoài Nam và ông Đinh Quang Nghi thuê để nuôi tôm điểm theo chương trình Ramsar từ năm 1991. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Phạm Hoài Nam, ông Đinh Quang Nghi và những người thừa kế của ông Đinh Quang Nghi (sau khi ông Nghi mất) đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Ngày 3 tháng 8 năm 2023, UBND xã Nam Phú đã thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015 và đề nghị ông Phạm Hoài Nam, những người thừa kế của ông Đinh Quang Nghi, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thu hồi tài sản, vật nuôi, bàn giao đất cho UBND xã Nam Phú quản lý.

Quyết định số 586/QĐ-BNNMT, ngày 2/4/2025, của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc giải quyết khiếu nại của bà Đinh Thị Lơ (con đẻ ông Đinh Quang Nghi).
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Tuy nhiên, các hộ không thực hiện và cũng không khởi kiện việc UBND xã Nam Phú đơn phương chấm dứt hợp đồng nêu trên. Việc UBND xã Nam Phú lập biên bản vi phạm hành chính ngày 18 tháng 3 năm 2024 đối với ông Phạm Hoài Nam, những người thừa kế của ông Đinh Quang Nghi, những người trực tiếp đang sử dụng đất về hành vi chiếm hơn 60 ha đất nông nghiệp, trình và được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất là đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Liên quan đến ý kiến các hộ dân cho rằng diện tích đất trên thuộc đất Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú khẳng định: Việc người dân lấy lý do khu đất thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên để không bàn giao là không có cơ sở. Khu vực này nằm ngoài diện tích 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đã được công bố. Cũng theo ông Đăng Văn Khương, xã Nam Phú có 24 km2 đất tự nhiên, trong đó có 1.000 ha đầm vùng. Từ năm 2023, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và đến nay, các hộ dân trong xã bàn giao 200 ha trên tổng số 260 ha diện tích đầm nuôi trồng thủy sản cho địa phương để thực hiện các dự án. Chỉ còn hơn 60 ha đất nuôi tôm điểm theo chương trình Ramsar các hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao.

Ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú khẳng định, diện tích các hộ dân đang chiếm giữ không nằm trong 12.500 ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đã được công bố.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Huyện Tiền Hải đã và đang hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển. Công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện, thời gian qua, cơ bản nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Nhờ vậy nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Liên quan đến hơn 60 ha đất nuôi tôm điểm theo chương trình Ramsar ở xã Nam Phú, người dân vẫn chưa chịu bàn giao cho địa phương, ông Kế cho biết, chúng tôi vẫn đang vận động nhân dân. Nếu đến ngày 9/5/2025, các hộ dân vẫn nhất quyết không chịu bàn giao huyện sẽ cương quyết thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo huyện Tiền Hải kiểm tra công tác xử lý vi phạm về đất đai tại xã Nam Phú.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Việc phát triển kinh tế biển theo quy hoạch là việc làm rất cần thiết để hiện thực hóa “khát vọng” vươn ra biển lớn của tỉnh Thái Bình, phấn đấu đến năm 2045, đưa Thái Bình là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Ông Phạm Ngọc Kế khẳng định, huyện đang tập trung xây dựng Khu kinh tế ven biển theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với phương châm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, quyết tâm bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, duy trì nghiêm ngặt công tác bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Do vậy, UBND huyện rất mong nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của người dân./.

Vũ Quang - Thế Duyệt

Tin liên quan

Xem thêm