Với hơn 52 km bờ biển, tỉnh Thái Bình sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng lớn, đóng vai trò như "bức tường xanh" vững chắc, bảo vệ đê biển, phòng chống thiên tai và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội quan trọng.
Xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy là một trong những xã có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất tỉnh Thái Bình với hơn 800 ha (chủ yếu là các cây bần, đước, sú vẹt…). Ông Nguyễn Sỹ Thu, Chủ tịch UBND xã Thụy Trường cho biết, trước đây, mưa bão, sóng lớn thường gây xói lở bờ biển, làm nước biển tràn vào đồng ruộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, từ khi có rừng ngập mặn, tình trạng này đã giảm hẳn. Người dân nơi đây đã chứng kiến rõ rệt vai trò của rừng ngập mặn.
Ông Bùi Bá Trường - người dân xã Thụy Trường chia sẻ, rừng ngập mặn không chỉ giúp bảo vệ bờ biển mà còn làm tăng sản lượng thủy sản khai thác, giúp kinh tế các gia đình trong xã ổn định hơn.
Rừng ngập mặn còn là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo thống kê, rừng ngập mặn Thái Bình tập trung ở 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy với tổng diện tích hơn 4.155 ha (theo Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 21/2/2025 của UBND tỉnh Thái Bình về công bố hiện trạng rừng năm 2024). Những cánh rừng này không chỉ giảm thiểu tác động của sóng biển, bão lũ, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ đê điều, mà còn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng ngập mặn, tỉnh Thái Bình đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án bảo tồn và phát triển loại rừng đặc biệt này. Các hoạt động trồng mới, phục hồi rừng, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng ngập mặn được đẩy mạnh, cùng với sự tăng cường phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Bình) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các địa phương quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý bảo vệ rừng; phát tờ rơi và cắm biển tuyên truyền về bảo vệ đa dạng sinh học tại các xã ven biển...
Nhờ đó, tình trạng phá rừng hầu như không xảy ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để nuôi trồng thủy sản từng bước được kiểm soát. Nhận thức của người dân về vai trò của rừng ven biển được nâng cao rõ rệt. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai và duy trì đa dạng sinh học. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái quý giá này - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Các lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình thả cá thể chim hoang dã về mội trường tự nhiên. Cụ thể, Chi cục sẽ tăng cường quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư ven biển để ngăn chặn hành vi xâm lấn, chặt phá, khai thác trái phép; tăng cường tuần tra, kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại để phát hiện và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm chú trọng phối hợp với các tổ chức, ngành, địa phương và người dân phục hồi và phát triển diện tích rừng ngập mặn thông qua nhiều chương trình trồng mới, tái sinh rừng khoa học, lựa chọn các loài cây bản địa, đẩy mạnh xã hội hóa công tác trồng rừng. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng về vai trò và giá trị của rừng ngập mặn…
Rừng ngập mặn xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy) đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, nâng độ che phủ rừng từ 2,5% trở lên, đồng thời nâng cao chất lượng rừng, đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái này, góp phần bảo vệ đê biển, phòng chống thiên tai và tạo thêm sinh kế cho người dân ven biển…/.