Thời tiết

Thái Bình hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra

Thái Bình

Tháng 6 và đầu tháng 7, Thái Bình sẽ diễn tập xử lý các sự cố hư hỏng của công trình đê điều tại huyện Thái Thụy.

TTXVN - Tỉnh Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín, với tổng chiều dài 584,6 km đê. Tỉnh xác định hệ thống công trình đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống lũ, bão để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân cũng như thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định từ cuối tháng 6, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông và có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp. Tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng hoàn thành công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều, công trình đang thi công liên quan đến đê điều, thủy lợi, chủ động chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn...

Căn cứ vào Phương án hộ đê toàn tuyến năm 2023 được phê duyệt, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê; xây dựng, phê duyệt các phương án trọng điểm xung yếu đê, kè, cống và kế hoạch di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm khi có lũ, bão sát với tình hình thực tế, triển khai đến các cụm phòng, chống lụt bão trước ngày 20/5/2023.

Trong công tác quản lý công trình đê điều và thủy lợi, các huyện, thành phố, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình xây dựng kế hoạch, lộ trình, tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, phạm vi bảo vệ đê điều, bến bãi sông. Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh, lực lượng chức năng cần tổ chức ngăn chặn và giải quyết triệt để không để phát sinh thêm vi phạm mới. Các đơn vị chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5/2023. Đơn vị chức năng hoàn thành trước ngày 20/6/2023 việc xây dựng phương án chống úng cho các vùng trọng điểm và thực hiện công tác tu bổ, sửa chữa, nâng cấp công trình trạm bơm, cống đập, bờ vùng...

Theo kế hoạch số 47/KHDT - PCTTVTKCN của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiến, cứu nạn tỉnh Thái Bình, trong tháng 6 và đầu tháng 7, tỉnh sẽ diễn tập xử lý các sự cố hư hỏng của công trình đê điều tại huyện Thái Thụy.

Để hoàn thiện các công việc chuẩn bị trước khi lũ, bão đến, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiến, cứu nạn năm 2023. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc triển khai, thực hiện công tác tu bổ đê, kè, cống, công trình thủy lợi năm 2023; công tác tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để bảo vệ các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống và các công trình đê điều đang có diễn biến xấu; phương án sơ tán dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân ở các vùng đê bối, bãi sông, ven biển khi xảy ra lũ, bão, thiên tai; phương án tránh, trú bão cho tàu, thuyền, bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân làm nghề cá trên sông và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản ở hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải... Thời gian kiểm tra sẽ hoàn thành trước ngày 15/6/2023/.

Sơn Hải

Xem thêm