Là một trong những địa phương được đánh giá có chất lượng dịch vụ y tế tốt trong vùng đồng bằng sông Hồng, những năm qua tỉnh Thái Bình không ngừng đổi mới, tăng cường đầu tư cho phát triển, xây dựng hệ thống y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
*Nâng cao chất lượng dịch vụ
Những năm qua, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, củng cố và hoàn thiện, phù hợp yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân ở tất cả các tuyến. Toàn tỉnh hiện có 32 bệnh viện, trong đó có 21 bệnh viện công lập (9 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 12 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố), 9 bệnh viện tư nhân và 2 bệnh viện thuộc trường Đại học Y Dược Thái Bình và Cao đẳng Y tế Thái Bình. Ngoài ra, tỉnh có gần 700 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân; 15 đơn vị hệ dự phòng và trung tâm chuyên khoa, 260 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Phạm Quang Hòa cho biết, nhìn lại chặng đường quá trình xây dựng và phát triển 70 năm qua, nhất là giai đoạn 10 năm (2015-2025), bên cạnh những thuận lợi, ngành Y tế Thái Bình cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương, sự động viên, tin tưởng từ người bệnh, đặc biệt là tinh thần hết lòng vì người bệnh, thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”, các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh Thái Bình đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, ngành Y tế đã đạt nhiều kết quả tích cực, đạt và vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đặc biệt 10 năm qua (2015-2025), trước yêu cầu hội nhập, phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, công tác khám chữa bệnh đã có sự đổi mới, chuyển biến rõ rệt cả về y đức lẫn chuyên môn. Ngành đã chú trọng phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh bảo đảm tính hệ thống, hoạt động hiệu quả giữa các tuyến điều trị, giữa các bệnh viện công lập và ngoài công lập, giữa Y học hiện đại với Y học cổ truyền. Chất lượng khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nhân dân ngày càng được nâng lên. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh ngày càng khẳng định được vị thế của mình, phát triển được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, trong đó nhiều kỹ thuật trước đây chỉ tuyến Trung ương mới thực hiện được, thì nay đã được thực hiện ngay ở bệnh viện tuyến tỉnh, như: Phẫu thuật tim hở; Can thiệp tim mạch; Kỹ thuật xạ trị điều trị ung thư; Phẫu thuật sọ não, cột sống... giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại tỉnh, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến, giảm bớt chi phí cho gia đình người bệnh trong quá trình điều trị.
Tại các bệnh viện tuyến huyện cũng đã có sự bứt phá, phát triển nhanh, mạnh mẽ, nhất là sự thăng hạng của 4 Bệnh viện Đa khoa huyện từ hạng III lên hạng II (gồm Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải, Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực, Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh và Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân). Các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao. Hiện trên địa bàn có 11/13 Bệnh viện đa khoa công lập tuyến tỉnh và huyện triển khai đơn nguyên thận nhân tạo, tạo điều kiện cho người bệnh được điều trị sớm, kịp thời và giảm chi phí, vất vả cho người bệnh.
Trung bình mỗi năm các bệnh viện trong tỉnh đón tiếp, khám bệnh cho khoảng 3 triệu lượt người, điều trị nội trú cho gần 400 nghìn lượt người, khám bệnh cho gần 700 nghìn lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…. Tỷ lệ khỏi bệnh và đỡ hoặc giảm đạt trên 90%... Điều đó khẳng định sự phát triển về chất lượng y tế của địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
*Phấn đấu xây dựng trung tâm y tế hiện đại vùng đồng bằng sông Hồng
Bên cạnh đầu tư cho cơ sở vật chất, tỉnh Thái Bình cũng đang đẩy mạnh đầu tư phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu. Năm 2024 đánh dấu bước phát triển lớn của ngành với nhiều đề án quan trọng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua, như Đề án đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao giai đoạn đến 2025 và tầm nhìn 2030; Đề án phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập của ngành y tế giai đoạn 2024-2028; Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2025-2030; Đề án phát triển hệ thống y tế dự phòng giai đoạn 2025-2030; Chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh Thái Bình giai đoạn 2025-2030… Trong đó riêng Đề án “Phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2024-2028”, trọng tâm triển khai 88 kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác dự phòng bệnh tật; 71 kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh với nhiều kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến đối tượng là trẻ em.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng xây dựng lộ trình đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị đáp ứng mở rộng quy mô khám chữa bệnh cho 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Mắt từ nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương. Ước tính tổng kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2024 - 2028 là 1.000 tỷ đồng. Đây là những tiền đề quan trọng để ngành y tế địa phương bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển của giai đoạn và nhiệm vụ được chỉ ra tại Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, tiếp nối thành quả của giai đoạn trước, giai đoạn 2015-2025, ngành Y tế Thái Bình có các bước đột phá và chuyển mình vượt bậc; Chất lượng khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nhân dân ngày càng được nâng lên; chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân thông qua hệ thống y tế cơ sở không ngừng được cải thiện, qua đó, người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến huyện, góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh. Qua các phong trào thi đua trong toàn Ngành đã xuất hiện rất nhiều tấm gương tiêu biểu “Lương y như từ mẫu”, nhiều điển hình tiên tiến với trái tim nhiệt huyết, sáng tạo, tấm lòng nhân ái, luôn đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Để đáp ứng khát vọng kỷ nguyên vươn mình, phát triển, thời gian tới ngành Y tế cần phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa, có những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với nhiệm vụ xây dựng Y tế tỉnh Thái Bình thành trung tâm y tế hiện đại trong khu vực đồng bằng sông Hồng; Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Trung ương Đảng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là trách nhiệm song cũng là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của người thầy thuốc. Giai đoạn tới, nhiệm vụ của ngành là tiếp tục xây dựng, phát triển mạng lưới cơ sở y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa Khám, chữa bệnh với Y tế dự phòng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, hướng tới đưa Thái Bình trở thành trung tâm y tế chất lượng cao trong vùng đồng bằng sông Hồng… Khó khăn, thử thách vẫn còn ở phía trước, song có thể tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của toàn ngành, sự đồng lòng của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, ngành Y tế Thái Bình sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đạt được nhiều kết quả tiêu biểu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.