Thái Nguyên: Các cơ sở y tế công lập hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Thái Nguyên là một trong 4 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (cùng với Bắc Ninh, Phú Thọ và Quảng Ninh) tại các cơ sở y tế công lập.
Chiều 20/5, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã hoàn thành thẩm định hồ sơ triển khai bệnh án điện tử. Đến thời điểm này, 17/17 bệnh viện, trung tâm y tế hai chức năng trực thuộc Sở Y tế Thái Nguyên đã hoàn thành triển khai bệnh án điện tử trước thời hạn Trung ương quy định.
Thái Nguyên là một trong 4 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (cùng với Bắc Ninh, Phú Thọ và Quảng Ninh) tại các cơ sở y tế công lập.
Hồ sơ bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa ngành Y tế, được coi là phiên bản số của hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội so với bệnh án giấy truyền thống. Cụ thể, các quy trình được số hóa toàn bộ, không cần dùng giấy tờ, sổ sách; dữ liệu được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương hồ sơ bệnh án giấy. Mọi thông tin về sức khỏe, thông tin tiền sử của người bệnh khi đã đến điều trị tại bệnh viện được lưu giữ đầy đủ, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh.
Bác sĩ có thể truy cập bệnh án của người bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp việc báo cáo, thống kê được thuận lợi, chính xác, giúp bệnh viện, cơ quan quản lý cấp trên nhanh chóng nắm bắt tình hình khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử mang lại lợi ích cho cả người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan quản lý. Người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí và dễ dàng tra cứu hồ sơ y tế. Bệnh viện nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ phận, giảm chi phí giấy tờ; cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở dữ liệu số để phân tích, dự báo và hoạch định chính sách sát thực tiễn...
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, mặc dù gặp không ít khó khăn về hạ tầng, trang thiết bị và kinh phí thực hiện nhưng Sở đã sớm xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử trong toàn ngành, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, yêu cầu hoàn thành đúng mốc thời gian. Các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch chi tiết, tự rà soát hạ tầng, bổ sung thiết bị còn thiếu, đào tạo cán bộ và phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp phần mềm, huy động nguồn xã hội hóa để bổ sung máy chủ, thiết bị đầu cuối, bảo đảm hạ tầng đáp ứng yêu cầu. Cùng với việc hoàn thành hồ sơ bệnh án điện tử, Thái Nguyên còn là một trong 4 địa phương đầu tiên trên cả nước được Bộ Y tế chọn tham gia thí điểm Hệ thống điều phối dữ liệu y tế (G-medical), giúp kết nối dữ liệu giữa tuyến cơ sở và trung ương.
Theo ông Đặng Ngọc Huy, đến giữa tháng 5/2025, toàn tỉnh đã liên thông gần 256.000 hồ sơ bệnh án lên Trung tâm điều phối dữ liệu quốc gia tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ kết nối đạt 100% ở các bệnh viện công lập, tư nhân, bộ, ngành và trạm y tế, 80,9% tại các phòng khám đa khoa. Việc liên thông không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người bệnh và bác sĩ mà còn tạo nền tảng để đồng bộ bệnh án điện tử giữa các tuyến. Khi đạt mức độ cao hơn, người dân không cần mang theo hồ sơ giấy, không phải khai lại thông tin nhiều lần, quy trình khám, chữa bệnh trở nên nhanh gọn và minh bạch hơn. Đặc biệt, khi bệnh nhân chuyển tuyến, các bác sĩ tuyến trên có thể truy cập hồ sơ bệnh án đầy đủ mà không cần phụ thuộc vào giấy tờ truyền thống, từ đó nâng cao chất lượng điều trị và giảm chi phí cho người bệnh.
Sau khi hoàn thành triển khai bệnh án điện tử đối với các bệnh viện công lập, Sở Y tế Thái Nguyên tiếp tục triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đối với các bệnh viện tư nhân và hoàn thành toàn bộ vào tháng 6/2025./.