Tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, các trường, viện nghiên cứu... đã chia sẻ, thảo luận về các vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
TTXVN - Ngày 27/4, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Các tham luận gửi đến hội thảo và ý kiến của các đại biểu đều khẳng định nước là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia. Liên hợp quốc đã xếp nước là tài nguyên thiên nhiên quan trọng thứ 2 sau tài nguyên con người. Nước được đặt lên hàng đầu trong 5 ưu tiên gồm: nước, năng lượng, sức khỏe, nông nghiệp và đa dạng sinh học.
Để giải quyết những bất cập, vướng mắc tồn tại trong hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được đưa vào Chương trình Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Việc tổ chức hội thảo để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội về tài nguyên nước có ý nghĩa quan trọng đối với cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra... Hội thảo còn là diễn đàn để đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, các trường, viện nghiên cứu... chia sẻ, thảo luận về các vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Kết quả của hội thảo không chỉ có giá trị đối với hoạt động chỉnh lý, tiếp thu của Ban soạn thảo, hoạt động thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho tất cả các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tới.
Trong khuôn khổ làm việc, sẽ có 9 chuyên gia trình bày các tham luận: Một số vấn đề về việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay; Khuôn khổ pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay; Một số mô hình cải tiến phục vụ đánh giá, lượng giá kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước; Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và một số kiến nghị; Các thách thức và giải pháp phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, hướng tới mục tiêu quản lý tài nguyên nước bền vững ở Việt Nam; Giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước và một số nhận xét, kiến nghị với dự thảo sửa đổi Luật Tài nguyên nước; Quản lý tài nguyên nước trong nền kinh tế tuần hoàn; Một số vấn đề về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Mô hình quản trị nước thông minh một số quốc gia trên thế giới.
Đan xen giữa các tham luận, hội thảo cũng dành thời gian thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), bao gồm phạm vi điều chỉnh; rà soát chỉnh sửa một số từ ngữ, khái niệm; áp dụng Luật Tài nguyên nước và các luật có liên quan; về vai trò cộng đồng dân cư; về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; sự quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước; những quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước; vấn đề sử dụng nước tuần hoàn…
Các đại biểu dự hội thảo đã nêu bật các vấn đề đang được xã hội quan tâm, như tình trạng ô nhiễm nguồn nước do các loại chất thải, rác thải gây nên; tình trạng nạo vét cát, bùn, sỏi đá ở các dòng sông, ngòi quá mức khiến cho lòng sông, ngòi… khoét sâu, mặt nước xuống thấp hơn nhiều so với trước đây. Điều này đã làm vô hiệu hóa hệ thống thủy lợi, nhất là hệ thống kênh, mương dẫn nước vào các trạm bơm không còn khả năng lấy nước ở sông, ngòi, ảnh hưởng đến việc tưới, tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp.../.